Bất động sản

Tập đoàn Nam Mê Kông: Lãi quý III tăng gấp 30 lần, có hơn 1.200 tỷ tiền người mua trả trước

(VNF) – Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (HNX: VC3) tiếp tục có một quý kinh doanh thành công khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn Nam Mê Kông: Lãi quý III tăng gấp 30 lần, có hơn 1.200 tỷ tiền người mua trả trước

Tập đoàn Nam Mê Kông: Lãi quý III tăng gấp 30 lần, có hơn 1.200 tỷ tiền người mua trả trước (Ảnh: Phối cảnh dự án khu đô thị Bảo Ninh 2)

Quý III/2023, doanh thu thuần hợp nhất của VC3 đạt 193 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là doanh thu theo quý cao nhất kể từ sau quý II/2017.

Với doanh thu lớn, lợi nhuận gộp đạt 60 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, điểm nhấn về chi phí là chi phí bán hàng (14 tỷ đồng) – tăng đột ngột và cao nhất trong năm, chứng tỏ VC3 đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng trong quý III. Việc đẩy mạnh bán hàng cũng làm gia tăng chi phí quản lý thêm 11%, lên 8,2 tỷ đồng.

Tuy vậy, với doanh số lớn, VC3 vẫn kết thúc quý III/2023 với lợi nhuận trước thuế 38 tỷ đồng, tăng 27 lần; lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lợi nhuận quý lớn nhất trong năm 2023 của công ty.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của VC3 đạt 383 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần; lợi nhuận gộp đạt 124 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước.

Dù các loại chi phí trong 9 tháng tăng đáng kể (chi phí tài chính 16 tỷ đồng, tăng 45%; chi phí quản lý 26 tỷ đồng, tăng 23%; chi phí bán hàng 16 tỷ đồng) và doanh thu tài chính giảm 83% (chỉ 5 tỷ đồng), song VC3 vẫn có lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, tăng 18 lần; lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ năm trước.

Về tài sản, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VC3 đạt 3.546 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là khoản “đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn” (là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 6 – 12 tháng, trị giá 312 tỷ đồng) đã biến mất.

Trong khi đó, các khoản phải thu tăng thêm 55%, đạt 790 tỷ đồng, chiếm 22% tổng tài sản. Hàng tồn kho chỉ giảm nhẹ 1,8%, đạt 2.378 tỷ đồng, chiếm 67% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tập trung tại các dự án: Bảo Ninh 2 (1.877 tỷ đồng), The Charms – Bình Dương (475 tỷ đồng), Vinaconex 3 – Phổ Yên (18 tỷ đồng).

Tổng tỷ trọng của các khoản phải thu và hàng tồn kho là 89% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của VC3 tại ngày 30/9/2023 đạt 2.290 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, đáng nói là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn khá lớn, đạt 1.256 tỷ đồng, tăng 5%, tập trung toàn bộ tại dự án Bảo Ninh 2. Nợ vay cũng tăng 59%, đạt 387 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu đạt 1.256 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của VC3 chỉ là 1,82 lần.

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 9 tháng của VC3 tiếp tục trạng thái xấu khi âm 358 tỷ đồng (cùng kỳ âm 925 tỷ đồng), do tăng các khoản phải thu (219 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (307 tỷ đồng).

Trong bối cảnh đó, VC3 đã tiến hành thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác, để có dòng tiền đầu tư dương 216 tỷ đồng. Nhờ vậy, công ty đã giảm mạnh quy mô dòng tiền vay/trả xuống còn 279 tỷ đồng/136 tỷ đồng, vừa khéo đủ cân đối được dòng tiền hoạt động, khiến tiền và tương đương tiền tại thời điểm kết thúc quý III/2023 vẫn đạt 134 tỷ đồng.

Tin mới lên