Tham vọng của Bách hóa Xanh giữa đại dịch Covid-19

Thành Trung - 20/04/2020 16:17 (GMT+7)

(VNF) - CEO Bách hóa Xanh cho biết ban lãnh đạo MWG có tham vọng đưa Bách hóa Xanh và Bách hóa Xanh online trở thành các thương hiệu “top-of-mind” (hàng đầu trong tâm trí) với các bà nội trợ.

VNF
Tham vọng của Bách hóa Xanh giữa đại dịch Covid-19

Theo cập nhật tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) với cổ đông và các nhà phân tích chứng khoán, tổng doanh thu tháng 3 của toàn hệ thống MWG (gồm cả các chuỗi Điện Máy Xanh – ĐMX và Bách Hóa Xanh – BHX) đạt hơn 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2019 nhờ sự đóng góp tích cực của chuỗi BHX (doanh thu đạt gần 1.900 tỷ đồng).

Một điểm đáng chú ý trong tình hình kinh doanh của tập đoàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam là doanh thu từ mảng online có xu hướng tăng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu toàn tập đoàn trong tháng 3. Tỷ trọng doanh thu online của MWG và ĐMX so với tổng doanh thu của MWG và ĐMX là khoảng 13% (tương tự giai đoạn cuối năm 2019).

Một tháng phục vụ 17 triệu lượt khách, đạt doanh thu gần 1.900 tỷ đồng

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh lao đao, thậm chí đứng trước nguy cơ phải giải thể trong đó có nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Chuỗi cung ứng hàng hóa của BHX bị ảnh hưởng khi hàng hóa nhập khẩu có thời gian giao hàng chậm hơn và một số nguồn hàng bị gián đoạn do lệnh phong tỏa ở một vài quốc gia. Theo thông tin người viết nắm được, tỷ trọng hàng nhập khẩu chiếm khoảng dưới 10% trong tổng doanh thu của BHX.

Hệ thống 1.215 cửa hàng của BHX cũng xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ đối với một số loại sản phẩm FMCG (Fast-Moving Consumer Goods – hàng tiêu dùng nhanh), do người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành lệnh cách ly xã hội lần đầu ngày 31/3/2020. Tuy vậy, BHX cho biết họ đã nhanh chóng làm việc với các nhà cung cấp của mình để bổ sung nguồn hàng và đảm bảo không xảy ra tình trạng các quầy hàng siêu thị bị trống. Một yếu tố khách quan khác là giá mua đầu vào của khoảng 50% số thực phẩm tươi sống tại toàn hệ thống BHX tăng khoảng 5-10% do nhu cầu tăng cao.    

Theo thông tin từ MWG, đóng góp doanh thu của BHX vào MWG đã tăng lên 22% trong tháng 3. Chuỗi siêu thị gần như phủ kín khắp các quận huyện của TP. HCM này đạt mức doanh thu “kỷ lục” gần 1.900 tỷ đồng với 17 triệu lượt khách đã phục vụ chỉ trong tháng 3. Tính trung bình, doanh thu mỗi cửa hàng BHX đạt 1,6 tỷ đồng trong tháng này. Việc cách ly toàn xã hội trong 15 ngày để phòng chống dịch bệnh đã làm cho nhu cầu mua thực phẩm của người dân tăng cao. Sản lượng hàng tươi sống của chuỗi cửa hàng BHX đạt tới 40.000 tấn trong tháng 3, theo thông tin từ bộ phận marketing của MWG.

Mặc dù tình hình có nhiều biến động do dịch bệnh nhưng ban lãnh đạo MWG vẫn tỏ ra tự tin vào cơ hội. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG đã từng khẳng định hồi đầu tháng 4 rằng thời điểm này là cơ hội để BHX phát triển, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ.

“Công ty tin rằng những bà nội trợ trước đây ra chợ truyền thống, khi họ biết chắc là có chuỗi gần nhà mình có đủ nguồn hàng, giá cả ổn định, thái độ phục vụ tốt thì sau dịch bệnh này tạo ra nhóm khách hàng mới mà bình thường sẽ phải tốn rất nhiều chi phí để lôi kéo họ từ những nơi mua sắm quen thuộc đến với BHX. Đây là cơ hội tự nhiên nó đến", ông Tài nhận xét.

“Ứng vạn biến” với dịch vụ “Đi chợ giùm bạn”

“Đi chợ giùm bạn” là dịch vụ mua hàng trực tuyến giúp khách hàng được BHX bắt đầu triển khai từ đầu tháng 4/2020 tại toàn bộ địa bàn TP. HCM, trừ các huyện Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Theo đó, một phần nhân viên của MWG và ĐMX sẽ được huy động để đi mua hàng tại gần 500 siêu thị thuộc chuỗi BHX tại TP. HCM (trong tổng số 1.215 cửa hàng trên toàn hệ thống) khi có đơn hàng từ ứng dụng nhận giao hàng nội bộ. Nhân viên sẽ đến bất kỳ cửa hàng BHX gần nhất mua hàng, gồm cả thực phẩm tươi sống rồi đến tận nhà giao cho khách hàng. Với mỗi đơn hàng như vậy nhân viên giao hàng sẽ nhận được phí dịch vụ 30.000 đồng. 

Theo lý giải của ông Trần Kinh Doanh, CEO Bách Hóa Xanh, mục tiêu của dịch vụ này là tạo điều kiện cho các bà nội trợ không phải đi ra ngoài mà vẫn có thể mua được hàng hóa thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày, tránh nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc bên ngoài và tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Toàn bộ việc đi chợ kể cả mua thực phẩm tươi sống, hải sản, thịt cá và trái cây đều được đội ngũ nhân viên của MWG “đi chợ hộ”.

Động thái này được các nhà phân tích bán lẻ đánh giá là khả năng ứng biến nhanh và thích ứng cao với mọi hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp này. Trong các phương án ứng phó với dịch Covid-19, MWG cũng đề ra 3 kịch bản tương ứng với 3 cấp độ theo quy định của Chính phủ, trong đó cấp độ 3 là khi Chính phủ quy định phải đóng cửa hàng và người dân phải ở nhà trừ trường hợp thật sự cần thiết.

Với cấp độ cao nhất này, tức là cách ly xã hội, MWG phục vụ khách hàng đặt hàng trước thông qua tổng đài và website, giao hàng ngay khi được phép di chuyển. Việc triển khai dịch vụ “Đi chợ giùm bạn” được công ty đáp ứng bằng cách tận dụng các trung tâm phân phối và hệ thống các cửa hàng của TGDĐ và ĐMX làm nơi trữ hàng cho BHX. Ngoài ra, công ty tận dụng đội xe tải giao hàng lắp đặt để hỗ trợ chuyển hàng xuống các cửa hàng BHX.

Về nền tảng công nghệ, ông Doanh chia sẻ với VietnamFinance đây là thế mạnh của tập đoàn. Kênh online của BHX được hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ mạnh, đội ngũ Call-Center và hàng chục nghìn nhân viên cửa hàng toàn tập đoàn đảm trách việc giao hàng tận cửa cho khách. Bên cạnh đó, hệ thống ERP kiểm soát chặt chẽ, điều chuyển hàng hóa “từ nơi thừa đến nơi thiếu”, tối ưu hàng tồn kho và hạn chế tình trạng có nhu cầu nhưng không có hàng hóa để bán cũng được tập trung kiểm soát. Theo vị CEO này, thế mạnh của công ty là dịch vụ khách hàng, uy tín tốt, chất lượng hàng hóa đảm bảo, chính sách bảo hành đổi trả vượt trội so với các cửa hàng nhỏ lẻ và các đối thủ trong mảng kinh doanh online.

Tuy nhiên, ông Trần Kinh Doanh cũng thừa nhận tập đoàn phải đối mặt với không ít thách thức do đại dịch. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất số lượng các cửa hàng buộc phải đóng cửa. Cụ thể, tổng số cửa hàng MWG và ĐMX đã đóng cửa đến cuối tháng 3 bằng khoảng 10% toàn bộ cửa hàng của cả tập đoàn, tương đương 10% doanh thu trong điều kiện hoạt động bình thường. Phần lớn trong số đó là các cửa hàng tại Thủ đô Hà Nội. Mặc dù đóng cửa song các cửa hàng này vẫn phục vụ các đơn hàng online của người tiêu dùng. 

Trả lời câu hỏi của VietnamFinance về mục tiêu cả năm nay, lãnh đạo MWG cho rằng các chiến lược kinh doanh cần cập nhật liên tục và mọi ước tính tại thời điểm này có mức độ dao động lớn, độ chính xác không cao do tác động khó lường của dịch bệnh. Kế hoạch của MWG sẽ được thay đổi với việc đảm bảo các cam kết bao gồm: tiếp tục gia tăng thị phần của 3 chuỗi MWG, ĐMX và BHX, theo đó tập đoàn sẽ chiếm 50% thị phần điện thoại và 45% thị phần điện máy đến cuối năm 2020.

CEO BHX tiết lộ ban lãnh đạo công ty thể hiện rõ tham vọng đưa BHX và BHX online trở thành các thương hiệu “top-of-mind” (hàng đầu trong tâm trí) với các bà nội trợ. Doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ niêm yết trên thị trường chứng khoán có kết quả kinh doanh tốt nhất năm 2020, đồng thời vượt qua giai đoạn dịch bệnh với chi phí kiểm soát tốt nhất và phát triển mạnh mẽ sau khi dịch kết thúc.

Cùng chuyên mục
Tin khác