Tham vọng làm cao tốc hơn 1 tỷ USD, đại gia Đường 'bia' có gì?

Tiểu An - 07/10/2023 16:19 (GMT+7)

(VNF) - Đại gia Đường 'bia', Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình mới đây cho biết doanh nghiệp này mong muốn tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.500 tỷ.

Muốn lấn sân sang lĩnh vực xây dựng cao tốc

Mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi là Đường "bia"), Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình cho biết doanh nghiệp này mong muốn tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao với Quốc lộ 14 hiện hữu tại Km1915-900 thuộc tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tại khu vực thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tổng chiều dài toàn tuyến của dự án là 128,8km, trong đó chiều dài tuyến cao tốc là 126,8km và 2km tuyến kết nối từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn I dự án với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, chiều rộng mặt đường 24,75m, riêng đoạn qua TP. Đồng Xoài, Bình Phước có chiều rộng mặt đường 25,5m. Dù vậy, dự án vẫn thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch với 6 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Theo tính toán của UBND tỉnh Bình Phước, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.540 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 4.640 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 16.608 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 996 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.484 tỷ đồng...

Với tổng mức đầu tư 25.540 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án tối đa là 12.770 tỷ đồng (tương ứng 50% tổng mức đầu tư), trong đó tỉnh Bình Phước bố trí 3.000 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông bố trí 635 tỷ đồng; ngân sách trung ương bố trí 8.770 tỷ đồng.

Với phần vốn còn lại sẽ do nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp (bao gồm cả việc hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án theo quy định của Luật Đầu tư PPP), trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15%, vốn vay chiếm 85% tổng mức đầu tư.

Gia tài của ông Đường 'bia' có gì?

Ông Nguyễn Hữu Đường còn có tên gọi khác là Đường 'bia'. Ông Đường được biết đến như người đầu tiên thành lập công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội. Hiện, ông Đường đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình (được thành lập năm 1993). 

Trên đà phát triển, ông lấn sân sang nhiều lĩnh vực, xây dựng cho mình một 'đế chế' với hàng chục công ty thành viên ở nhiều lĩnh vực như: kinh doanh sản xuất, kinh doanh rượu bia, nước giải khát, xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, sản xuất malt (nguyên liệu chính để sản xuất bia), kinh doanh nhà, bất động sản,...

Năm 2014, Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Hòa Bình được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 350 tỷ đồng, trụ sở đặt tại khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Sau đó, ông Đường lấn sân sang bất động sản khi xây dựng tòa tháp đôi Hòa Bình Somerset, tổng vốn đầu tư 26 triệu USD. Bên cạnh đó, Hoà Bình là chủ đầu tư một số dự án nhà ở như Hoà Bình Green Apartment và tổ hợp căn hộ dát vàng Hoà Bình Green City.

Về mảng khách sạn, tại Đà Nẵng, tổ hợp Hoà Bình Green Đà Nẵng có tổng cộng 1.824 phòng khách sạn, căn hộ, được vận hành theo hai thương hiệu là Danang Golden Bay và Citadines. Tại Hà Nội, khách sạn dát vàng đi vào hoạt động tháng 7/2020, vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.

Ngoài ra, Hoà Bình còn có dự án nghỉ dưỡng tại Hội An với 8 siêu căn hộ dát vàng dưới đáy biển.

Với hệ sinh thái đồ sộ như vậy, ước tính doanh thu của Hoà Bình có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Các công trình dát vàng hoành tráng

Khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội

Việc 'dát vàng mọi thứ có thể' khiến tên tuổi vị đại gia này càng trở nên nổi tiếng hơn. Năm 2020, khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội chính thức được khai trương. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD với mặt ngoài và nhiều vật dụng được dát vàng 24k. Trong đó, 36 căn phòng hạng sang với tất cả mọi thứ được dát vàng từ phòng tắm, bồn tắm, toilet, giường ngủ, gương, cửa đến khăn, áo tắm của khách trong phòng cũng đều được dát vàng.

Theo đại gia Đường 'bia', thế giới chưa có nước nào có tòa nhà dát vàng từ trong ra ngoài. Ở Việt Nam tiêu chuẩn cao nhất chỉ có 5 sao. Abu Dhabi có khách sạn 8 sao, Dubai có khách sạn 7 sao.

Tuy nhiên, vào hồi tháng 3/2023, chủ khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake cho biết sẽ bán khách sạn này. Giá khởi điểm là 250 triệu USD, tương đương khoảng 5.830 tỷ đồng. Ông Đường cho biết do công ty khó khăn về dòng tiền, phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản. Song mới đây, ông Đường lại tuyên bố không bán khách sạn dát vàng này nữa mà để tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp.

Tại Đà Nẵng, một khách sạn cũng được vị đại gia này dát vàng là Đà Nẵng Golden Bay. Dự án với quy mô hơn 1.000 căn hộ và phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Cùng với đó, bể bơi vô cực dát vàng được xây dựng trên nóc tòa nhà cao 29 tầng, các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại cũng đều được dát vàng 24K.

Ngoài các dự án mang tính biểu tượng trên, đại gia Đường 'bia' cũng sở hữu loạt dự án bất động sản khác có chi tiết dát vàng. Tòa chung cư cao cấp Hòa Bình Green City nổi tiếng khi được dát vàng toàn bộ lan can, khu vực sảnh, hành lang và hệ thống thang máy.

Thực tế, lúc bắt đầu xây dựng Hòa Bình Green City, chủ đầu tư không cam kết mạ vàng lan can, thang máy. Nhưng theo ông Đường, để căn hộ đạt tiêu chuẩn 6 sao nên ông quyết định mạ vàng cho công trình. Vị đại gia này cho hay, mạ vàng vừa khẳng định sự vĩnh cửu vì vàng không bị oxy hóa vừa tăng thêm giá trị cho căn hộ mà người mua hoàn toàn không phải trả thêm chi phí này.

Nội thất được vị đại gia này dát vàng 

Dự án nhà ở xã hội 

Ngoài ra, Công ty TNHH Hòa Bình của đại gia Đường 'bia' còn trực tiếp đầu tư vào dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4-6-8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Dự án gần 1.200 tỷ đồng này được thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng 4.516m2.

Đáng chú ý, dù là nhà ở xã hội mức giá thấp, căn hộ vẫn có chi tiết dát vàng. Theo công bố, căn hộ thiết kế hợp lý và bàn giao nội thất cơ bản trần sàn, thiết bị vệ sinh Toto có điểm nhấn dát vàng, cùng hệ thống thiết bị thang máy, việt liệu xây dựng, kết cấu xây dựng độ bền trăm năm.

Theo kế hoạch, công ty dự kiến sẽ xây dựng 10.000 căn, mức giá bán các căn nhà ở xã hội ở nội thành Hà Nội là 17-18 triệu đồng/m2, ở các tỉnh là từ 11-11,5 triệu đồng/m2.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.