Thanh toán dịch vụ công trực tuyến: Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Mai Lan -
23/04/2023 10:22 (GMT+7)
(VNF) - Trong những năm qua, dịch vụ công trực tuyến gắn liền với thanh toán điện tử phục vụ cho Chính phủ điện tử được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng, trung gian thanh toán phối hợp phát triển để cung cấp tiện ích đến cho người dân, doanh nghiệp.
Lợi ích ba bên
Mục tiêu của chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra là: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đồng thời phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, vai trò phát triển các phương tiện thanh toán điện tử đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đánh giá là rất quan trọng, mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp cũng như các bên tham gia.
Trước hết, thanh toán trực tuyến dịch vụ công là một trong những giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) một cách mạnh mẽ với những lợi ích tiết kiệm thời gian cho người dân, tăng tính công khai, minh bạch. Chỉ với những thao tác đơn giản, người dân có thể thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng tại bất cứ đâu có kết nối internet, đảm bảo an toàn, chính xác trong các giao dịch, từ đó giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Với các cơ quan nhà nước, thanh toán dịch vụ công trực tuyến giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tăng khả năng kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hỗ trợ công tác phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán sẽ có thêm cơ hội để cung cấp đa dạng các phương tiện thanh toán giúp người dân thuận tiện, nhanh chóng hơn khi thanh toán trực tuyến dịch vụ công, qua đó không chỉ góp phần hiện đại hóa hệ thống thanh toán mà còn thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, phát triển thương mại điện tử và các lĩnh vực của nền kinh tế số trong tương lai.
Trao đổi tại một diễn đàn gần đây, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình phát triển Liên hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, việc hình thành chính phủ điện tử với các dịch vụ công cấp 4 bao gồm cả thanh toán công trực tuyến 100% sẽ giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính phủ, giúp cải thiện sự ổn định và minh bạch chính sách, nâng cao chất lượng các dịch vụ công cung cấp cho xã hội. Từ đây hình thành các hạ tầng công nghệ và nền tảng dữ liệu quốc gia phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Có thể nói, phát triển thanh toán dịch vụ công trực tuyến như là một mũi tiên phong mang lại lợi ích cả 3 bên: Người dân – doanh nghiệp, nhà nước và toàn xã hội. Hơn thế, phát triển thanh toán dịch vụ công trực tuyến thành công còn là hiện thực hoá mô hình nhà nước kiến tạo, ở đó nhà nước đưa ra đề tài, tạo cơ hội… để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển.
Thực tiễn triển khai thanh toán trực tuyến dịch vụ công
Trong quá trình phát triển thanh toán dịch vụ công trực tuyến đã ghi nhận vai trò quan trọng của ngân hàng, trung gian thanh toán trong việc đẩy mạnh kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công như: Thu thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội,…
Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ với vai trò cơ quan đầu mối đã xây dựng và phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) với khả năng kết nối và tích hợp các giải pháp thanh toán trực tuyến đã trở thành nền tảng quan trọng thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán dịch vụ công trực tuyến.
Tính từ khi khai trương vào tháng 12/2019 đến nay, cổng DVCQG đã cung cấp 4.377 dịch vụ công trực tuyến với hơn 4,3 triệu tài khoản đăng ký. Cổng DVCQG đã thu hút hơn 1,1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 161 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 10 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 8,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện. Đáng chú ý, có hơn 4,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3.830 tỷ đồng.
Đại diện một trong những đơn vị đã triển khai thanh toán dịch vụ công, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quý Dương cho biết: “Có công cụ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công sẽ giảm được rất nhiều thời gian xử lý các giao dịch, giảm phiền hà, rất thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và cũng giúp giảm áp lực, cường độ công việc cho cán bộ, công chức, sẽ tinh giản được nhân sự”.
Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, các đơn vị đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên việc triển khai các sản phẩm thanh toán điện tử phục vụ Chính phủ điện tử chưa đạt được hiệu quả cao so với tiềm năng của dịch vụ thanh toán. Hiện nay, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến còn thấp và các giao dịch thanh toán trực tuyến còn ít. Dữ liệu giữa các cơ quan phối hợp xử lý thủ tục hành chính chưa đồng bộ thông tin, còn có sự chậm trễ hoặc xử lý thủ công tại 1 số bước. Trong đó, các sản phẩm thanh toán điện tử phục vụ Chính phủ điện tử chưa nhiều, chưa đa dạng các phương tiện và hình thức thanh toán. Theo đánh giá của chương trình phát triển Liên hợp Quốc tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến tăng dần qua từng năm nhưng đó vẫn là con số khá thấp so với yêu cầu, mức độ đầu tư cho chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng số.
NAPAS – nền tảng thúc đẩy phát triển thanh toán dịch vụ công
Cổng DVCQG chính thức được khai trương vào ngày 9/12/2019, nhằm cung cấp thông tin về các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Trong năm 2020, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) vinh dự được nhận bằng khen của Văn phòng Chính phủ về những nỗ lực trong việc kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trên cổng DVCQG.
Hiện nay, NAPAS đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 54 địa phương, 17 đơn vị là các Bộ/Cục/cơ quan để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 06 nhóm dịch vụ trên cổng DVCQG gồm: Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; Nộp thuế cá nhân; Nộp bảo hiểm xã hội; Nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai; Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; Nộp tạm ứng án phí.
Bên cạnh triển khai các phương thức thanh toán truyền thống qua thẻ nội địa, tài khoản ngân hàng, từ năm 2022, NAPAS đã phối hợp triển khai phương thức thanh toán dịch vụ công trực tuyến bằng mã VietQR. Phương thức này cho phép người dân dù ở bất kỳ nơi đâu có thể truy cập cổng DVCQG và thực hiện thanh toán bằng cách quét mã QR trong ứng dụng thanh toán của các ngân hàng một cách nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng. Sự tiện lợi của phương thức này sẽ giúp thúc đẩy thói quen thanh toán trực tuyến của người dân nhiều hơn, thay vì phải đến tận nơi để hoàn tất các thủ tục hành chính như trước kia.
Đến nay, NAPAS đã kết nối 43 ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán dịch vụ công cho người dân qua thẻ nội địa, 17 ngân hàng triển khai thanh toán mã VietQR và 5 ngân hàng triển khai qua tài khoản thanh toán.
Cùng với việc mở rộng đa dạng sản phẩm dịch vụ mang lại sự thuận tiện và trải nghiệm thanh toán dễ dàng cho người dân, để hỗ trợ người dân khi thực hiện thanh toán trực tuyến dịch vụ công, đến thời điểm hiện nay, NAPAS cũng đang miễn phí xử lý giao dịch cho các ngân hàng đối với các loại hình thanh toán dịch vụ công trên cổng DVCQG.
Chia sẻ về nhiệm vụ kết nối triển khai thanh toán cho lĩnh vực dịch vụ công, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS cho biết: “Phát triển thanh toán dịch vụ công không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh của NAPAS trong vai trò đơn vị xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia. Do đó, trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, NAPAS luôn nỗ lực mang đến các phương thức thanh toán đa dạng, hiện đại, nhiều tiện ích để phục vụ nhu cầu thanh toán của mọi người dân và đóng góp vào việc xây dựng một quốc gia không tiền mặt, gắn với mục tiêu xây dựng Chính phủ số của Việt Nam trong tương lai.”
Theo lãnh đạo NAPAS, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện và mở rộng tính năng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù của các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Cùng với đó, NAPAS sẽ tăng cường công tác truyền thông nhằm giới thiệu các phương thức thanh toán điện tử đơn giản, tiện lợi và an toàn cho người dân, song song phối hợp các đơn vị triển khai các chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích người dân có thói quen thanh toán trực tuyến dịch vụ công nhiều hơn.
Mặt khác, NAPAS sẽ chủ động đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương để đồng bộ thông tin trao đổi, có bộ phận chuyên trách phối hợp giám sát, vận hành và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, NAPAS đang đẩy mạnh kết nối và khai thác các dữ liệu dân cư quốc gia từ Bộ Công An để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và phát triển các dịch vụ công cũng như thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ ngân hàng.
Trong chiến lược phát triển của NAPAS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công ty đã đề ra những giải pháp quan trọng, trong đó duy trì, đảm bảo hệ thống chuyển mạch luôn được vận hành thông suốt, liên tục, tạo sự nhanh chóng, an toàn cho việc xử lý các giao dịch thanh toán của người dân. Đồng thời, NAPAS sẽ chủ động nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến thế giới để cùng các ngân hàng thành viên, trung gian thanh toán, công ty tài chính cung cấp cho thị trường các giải pháp thanh toán hiện đại, an toàn và gia tăng trải nghiệm cho người dùng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Các thao tác thực hiện thanh toán điện tử qua cổng thanh toán NAPAS như sau: Người dân có thể truy cập vào địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/, chọn hồ sơ thanh toán và chọn phương thức thanh toán qua NAPAS. Tại đây, người dân có thể lựa chọn phương thức thanh toán qua thẻ NAPAS do các ngân hàng phát hành, thanh toán qua tài khoản hoặc mã VietQR. Việc thanh toán sẽ được thực hiện nhanh chóng, dễ dạng và mọi lúc mọi nơi 24/7, kể cả các ngày lễ, Tết. Hạn mức giao dịch là dưới 200 triệu đồng/ giao dịch.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.