Thế giới ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, WHO lo ngại 'sóng thần' Covid-19

Quỳnh Anh - 30/12/2021 19:37 (GMT+7)

(VNF) - Trong khoảng thời gian từ ngày 22-28/12, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới ước tình trung bình khoảng 900.000 ca/ngày. Nhiều quốc gia tại châu Âu và Nam Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, theo Reuters.

VNF
Biến chủng Omicron và nhiều biến chủng trong tương lai có thể thay đổi vận mệnh thế giới.

Nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục vì biến chủng Omicron

Do biến chủng Omicron lây lan nhanh vượt tầm kiểm soát, một số quốc gia đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục trong vòng 1 tuần nay, bao gồm Argentina, Úc, Bolivia, Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết Pháp đang chứng kiến sự gia tăng "chóng mặt" về số ca bệnh, với 208.000 ca được báo cáo trong vòng 24 giờ qua - một kỷ lục trong nước và cả tại khu vực châu Âu.

Trong khi đó, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Síp và Malta đều ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục vào ngày 28/12. Theo thống kê của chính phủ, Anh đã ghi nhận 183.037 trường hợp mắc Covid-19, với khoảng 90% ca bệnh đều nhiễm biến chủng Omicron, trong khi Ailen cũng có tới 16.000 ca mắc mới trong ngày 28/12.

Số ca mắc mới hàng ngày trung bình trong bảy ngày ở Mỹ đạt mức kỷ lục 258.312, theo Reuters. Mức cao nhất trước đó là 250,141 ca nhiễm được ghi nhận hồi tháng 1/2020.

Úc có gần 18.300 trường hợp mới nhiễm vào ngày 28/12, lập đỉnh mới so với mức cao nhất trước đó là 11.300 ca ngày 27/12.

Ở Tây Ban Nha, nhu cầu về bộ dụng cụ xét nghiệm miễn phí từ chính quyền khu vực Madrid vượt xa nguồn cung, với hàng dài người dân xếp hàng bên ngoài các hiệu thuốc.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Tôi rất lo ngại rằng Omicron, có khả năng lây truyền cao và lây lan cùng lúc với Delta, đang dẫn đến một “cơn sóng thần” nhiễm bệnh”.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng hơn bao giờ hết, các quốc gia đang phải đứng trước những quyết định khó khăn để vừa kiểm soát dịch bệnh vừa hạn chế tác động tới nền kinh tế mới mở cửa trở lại.

Cân nhắc giữa kinh tế và sức khoẻ người dân

Mặc dù lây lan nhanh, nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy Omicron ít gây chết người hơn so với một số biến thể trước đó. Vì vậy, các nhà lãnh đạo chính trị ở một số quốc gia, do lo sợ về tác động kinh tế, đã cân nhắc việc rút ngắn thời gian cách ly sau khi xét nghiệm hoặc phơi nhiễm Covid-19.

Ngày 29/12, Tây Ban Nha cho biết họ đã giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, trong khi Ý cho biết họ đang có kế hoạch nới lỏng các quy định cách ly đối với những người tiếp xúc gần với những người bị nhiễm virus.

Đầu tuần này, các cơ quan y tế CDC Mỹ đã công bố hướng dẫn mới rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã được xác nhận nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày.

"Họ đang cố gắng tạo ra sự cân bằng: Làm thế nào để chúng ta thực hiện tốt các nguyên tắc về sức khỏe cộng đồng vừa không phải đóng cửa đất nước”, ông Anthony Fauci – cố vấn y tế trưởng của Mỹ giải thích về quyết định của CDC.

Theo các quan chức y tế, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết ông sẽ không ban hành các hạn chế mới trong năm nay để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn Omicron.

Thủ tướng Australia Scott Morrison bày tỏ chính phủ của ông sẽ không thực hiện cách ly người dân chỉ vì họ “tình cờ ở một địa điểm cụ thể tại một thời điểm cụ thể nào đó”, bên cạnh đó sẽ thay đổi các quy tắc xét nghiệm Covid-19.

Trong khi Tây Ban Nha và Ý chuyển sang nới lỏng một số quy tắc hạn chế xã hội, Trung Quốc vẫn giữ chính sách không khoan nhượng của mình, giữ 13 triệu người ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, trong tình trạng “cửa đóng then cài” vì ghi nhận 151 ca nhiễm mới vào cuối tuần trước, dù chưa có ca nhiễm Omicron nào được phát hiện.

Omicron không phải mối nguy duy nhất

Omicron hiện đang chiếm nhiều ưu thế hơn so với các biến thể khác, nhưng sẽ không phải là biến thể cuối cùng của virus SARS-CoV-2, cũng không phải mối nguy duy nhất tới sức khoẻ người dân thế giới.

Theo cảnh báo của WHO đưa ra ngày 29/12, các biến thể coronavirus mới có thể xuất hiện trong đại dịch khiến các loại vắc xin hiện tại trở nên vô dụng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo tại Geneva: “Khi đại dịch này kéo dài, các biến thể mới có thể né tránh các biện pháp đối phó của chúng ta và hoàn toàn kháng lại vắc xin hiện tại hoặc nhiễm trùng trong quá khứ, dẫn tới cần phải điều chỉnh vắc xin”.

Nếu một chủng virus kháng vắc xin xuất hiện, các nhà sản xuất sẽ phải điều chỉnh các mũi tiêm của họ, điều này “có thể đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn cung mới”, giám đốc Tedros cảnh báo.

Ông Tedros cũng nhắc lại lời kêu gọi thường xuyên của mình đối với các quốc gia về việc hợp tác cùng nhau để cải thiện nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu, khả năng tiếp cận vắc xin và các thiết bị y tế quan trọng khác.

Xem thêm >> Nghiên cứu: Người nhiễm Omicron có thể tăng khả năng miễn dịch trước biến chủng Delta

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác