Thế giới tuần qua: Chấn động hồ sơ Pandora, Moderna cung cấp 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho nước nghèo

Minh Đăng - 09/10/2021 11:31 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần qua, toàn thế giới đã chấn động trước Hồ sơ Pandora (Pandora Papers), vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất lịch sử, lớn hơn và phức tạp hơn nhiều so với các vụ rò rỉ chấn động trước đó như Hồ sơ Panama, Hồ sơ Paradise.

VNF
Việc xác minh tính xác thực của "Hồ sơ Pandora" là cuộc kiểm định lớn nhất do Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thực hiện.

Chấn động hồ sơ Pandora

Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) trong tuần qua đã công bố "Hồ sơ Pandora" bao gồm 6,4 triệu tập tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, 1,2 triệu email, nửa triệu bảng tính liên quan tới hồ sơ thành lập, hồ sơ ngân hàng,… được viết bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Mandarin, Hàn Quốc, Nga và Hy Lạp của hàng chục nghìn công ty "ngoại biên" (offshore).

Những hồ sơ này đã tiết lộ cách thức một số nhân vật quyền lực nhất thế giới, trong đó có hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao từ 90 quốc gia cùng 100 tỷ phú, đã sử dụng những công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu sự giàu có của mình.

Hồ sơ Pandora cũng cho thấy trong số tài sản cất giấu có cả cổ vật trộm cướp ở Campuchia, tranh của danh họa Picasso, tranh tường của nghệ sĩ ẩn danh Banksy…

Việc xác minh tính xác thực của "Hồ sơ Pandora" là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ thực hiện cùng hơn 600 nhà báo đến từ 150 cơ quan truyền thông, bao gồm những hãng tin hàng đầu như Washington Post, The Guardian, BBC và Le Monde.

Ở động thái liên quan mới nhất, Bộ trưởng Tư pháp Chile Jorge Abbott mới đây đã quyết định mở cuộc điều tra Tổng thống Sebastian Pinera, sau khi Hồ sơ Pandora tiết lộ vụ bán công ty khai thác mỏ Dominga do một công ty "liên quan đến gia đình Pinera" tiến hành.

Thượng viện Mỹ chấp thuận dự luật nâng trần nợ công lên 28.900 tỷ USD

Với 50 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Thượng viện Mỹ tối 7/10 (theo giờ Mỹ) đã phê chuẩn dự luật tạm thời nâng mức trần nợ công của chính phủ liên bang thêm 480 tỷ USD lên gần 28.900 tỷ USD nhằm tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ.

Dự luật sẽ chỉ có hiệu lực đến ngày 3/12 tới, thời điểm ngân sách cho hầu hết chương trình liên bang hết hạn theo dự luật ngân sách tạm thời được thông qua hồi đầu tháng này.

Như vậy, trong 8 tuần tới, Quốc hội Mỹ sẽ phải giải quyết thách thức kép liên quan đến việc thông qua ngân sách chi tiêu công cho đến tháng 9/2022 (bao gồm các chương trình giáo dục và đối ngoại đến quỹ để thực thi các biện pháp nhập cư và an ninh sân bay) và tìm ra biện pháp để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Dự luật sẽ được Hạ viện bỏ phiếu, nơi dự kiến sẽ dễ dàng được phê chuẩn, trước khi được chuyển đến Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Bên cạnh đó, trong những tuần tới, đảng Dân chủ sẽ tìm cách thông qua 2 dự luật chi tiêu khổng lồ nằm trong chính sách đối nội của Tổng thống Biden, gồm một gói chính sách xã hội nhiều nghìn tỷ USD và dự luật cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Ba Lan kêu gọi NATO đối đầu với những ‘thách thức’ mà Dòng chảy phương Bắc 2 mang lại

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw ngày 5/10, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng phương Tây nên rút ra kết luận từ những sai lầm đã mắc phải, bao gồm cả thất bại trong sứ mệnh ở Afghanistan và việc xây dựng "Dòng chảy phương Bắc- 2", dự án mà theo quan điểm của ông "là một sai lầm có ý nghĩa chiến lược đối với toàn thể cộng đồng các nước trong khu vực Đại Tây Dương".

“Ở đây không chỉ nói đến khả năng Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine và Slovakia hay khởi động đường ống bỏ qua Ba Lan mà Nga có thể dựa vào Dòng chảy phương Bắc 2 để đe dọa cộng đồng của chúng ta, thậm chí vượt xa khuôn khổ các vấn đề năng lượng", ông Duda nhấn mạnh thêm.

Theo nhà lãnh đạo Nga, EU và NATO cần phải suy nghĩ làm thế nào để chống lại các mối đe dọa về chính trị, năng lượng và quân sự, đối phó với những thách thức mà Dòng chảy phương Bắc 2 có thể mang lại.

Nord Stream 2 AG, thuộc sở hữu của một công ty con của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, mới đây xác nhận rằng tất cả các điều kiện kỹ thuật để vận hành Dòng chảy phương Bắc 2 đã được đáp ứng, vì vậy nhánh đầu tiên của đường ống dẫn khí đốt có thể được đưa vào vận hành trong tương lai gần.

Gazprom được cho đã lên kế hoạch vận chuyển những dòng khí đốt đầu tiên tới Đức vào đầu tháng 10, song dường như kế hoạch này khó thực hiện khi chưa được sự chấp thuận của Cơ quan mạng lưới liên bang Đức (BNetzA).

Moderna thông báo cung cấp 1 tỷ liều vaccine cho các nước có thu nhập thấp

Ngày 8/10, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ thông báo sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng này cho các nước có thu nhập thấp vào năm 2022, ngoài các liều đã cam kết đối với chương trình COVAX.

Trong một tuyên bố, Moderna cho biết số lượng vaccine ngừa Covid-19 mà hãng định cung cấp cho các nước có thu nhập thấp là một phần trong số từ 2 - 3 tỷ liều dự kiến sẽ sản xuất vào năm 2022.

Cho đến nay, đã có trên 250 triệu người trên thế giới được tiêm vaccine của Moderna. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn là một thách thức đối với nhiều nước.

Trước đó một ngày, Moderna thông báo đầu tư 500 triệu USD để xây dựng nhà máy ở châu Phi, có thể sản xuất 500 triệu liều vaccine theo công nghệ mRNA mỗi năm, trong đó có vaccine ngừa Covid-19. Tháng 5 vừa qua, Moderna cũng cam kết sẽ cung cấp 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho chương trình COVAX trong khoảng thời gian từ quý IV/2021 đến 2022.

Kế hoạch cung cấp vaccine của Moderna được đưa ra trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận tổng cộng 237.931.330 ca nhiễm Covid-19 và 4.855.341 trường hợp tử vong.

Xem thêm >> Nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc Meituan lĩnh án phạt ‘khủng’

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.