'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Theo trang thống kê Worldometer, tính đến 6h ngày 5/3 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 443.451.776 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 6.008.203 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.442.016 và 6.988 ca tử vong mới.
Biến thể Omicron và chủng phụ của nó đang đẩy số ca nhiễm mới tại nhiều nước tăng vọt.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 80,8 triệu ca mắc và 981.729 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với gần 43 triệu ca nhưng đứng thứ 3 về số ca tử vong, sau Brazil với hơn 650.000 người chết.
Tuy nhiên, theo công bố của CDC Mỹ ngày 4/3, khoảng 93% người dân Mỹ sống trong các khu vực đủ an toàn để không cần đeo khẩu trang trong các không gian khép kín.
Tại châu Âu, Đức vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất. Chỉ trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, Đức vẫn quyết định xoá bỏ danh sách các quốc gia có nguy cơ cao để việc nhập cảnh vào quốc gia này được dễ dàng hơn.
Ở châu Á, Hàn Quốc đang là tâm dịch hàng đầu. Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 266.838 ca. Hong Kong (Trung Quốc) cũng vẫn ở tình trạng báo động cao do số ca nhiễm mới tăng nhanh, gây quá tải cho hệ thống y tế.
Theo kết quả nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Nature Communications, những người mắc Covid-19 có thể có một số biến thể của virus trú ẩn trong hệ miễn dịch, khiến người từng mắc bệnh khó loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của các trường Đại học Tây Scotland và Đại học Durham đã tìm tòi các phương pháp nhanh chóng và có thể thay thế cho PCR, sử dụng ảnh chụp X-quang để chuẩn đoán Covid-19.
Kể từ sau khi bắt đầu “chiến dịch đặc biệt” của Nga tại Ukraine vào ngày 24/2, tình hình chiến sự tại Ukraine đã ngày càng căng thẳng hơn với số lượng thương vong tăng cao qua 9 ngày xung đột. Cả Nga và Ukraine đã chuẩn bị gặp mặt đàm phán vòng thứ 3 nhưng chưa đạt được thoả thuận đình chiến.
Trong 2 ngày 27-28/2, Nga tuyên bố đã bao vây và chiếm được 3 thành phố của Ukraine là Berdyansk, Enerhodar và Kherson, đồng thời kiểm soát khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya.
Các quan chức 2 quốc gia cũng đã tham gia đàm phán lần thứ nhất tại Belarus, tuy chưa đạt được kết quả quá khả quan song đều sẵn lòng tham gia đàm phán vòng tiếp theo.
Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, chính quyền Kiev và các quan chức Ukraine liên tục cáo buộc Nga ném bom và tấn công dữ dội vào nhiều địa điểm trọng yếu.
Trong thông báo ngày 3/3, tổng thống Zelensky cho biết Nga vẫn nã pháo không ngừng nghỉ vào Ukraine từ nửa đêm, đồng thời cho biết các phòng tuyến vẫn được giữ vững trước những đợt tấn công dữ dội từ Nga.
Ngày 4/3, Các lực lượng Nga ở Ukraine đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya lớn nhất châu Âu sau một cuộc tấn công lúc nửa đêm, gây cháy trong nhà máy nhưng rất may không gây ra sự cố rò rỉ hạt nhân.
Quân đội Nga dã phóng hàng trăm quả tên lửa và pháo kích các thành phố cùng nhiều địa điểm quân sự khác trên khắp Ukraine, cắt đứt được đường tiếp cận của Ukraine ra Biển Azov.
Trong ngày 4/3, Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sau khi Kiev kêu gọi thiết lập vùng cấm bay đối với Nga.
Cùng ngày, tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các nước láng giềng không leo thang căng thẳng do Moscow không hề "có ý đồ xấu đối với các nước láng giềng”.
Đến ngày 5/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này sẽ ngừng bắn, thiết lập các hành lang nhân đạo để người dân rời Mariupol và Volnovakha.
Từ ngày xảy ra chiến sự, Ukraine không ngừng lên án Nga tại khắp các tổ chức và toà án quốc tế, kêu gọi viện trợ tiền và vũ khí quân sự từ Mỹ và các quốc gia đồng minh và đề xuất các biện pháp nhằm ngăn chặn Nga. Trái lại, phía Nga dù phải nhận nhiều đòn trừng phạt, song vẫn tỏ ra kiên định với mục tiêu đã đặt ra và kiên trì bác bỏ các cáo buộc từ phía Kiev.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào thời điểm hiện tại không còn đơn thuần là một cuộc xung đột vũ trang – chính trị, mà thay vào đó đã mở rộng dần ra thành cuộc chiến kinh tế giữa Nga – Mỹ và các quốc gia đồng minh.
Hàng loạt đòn trừng phạt được phương Tây áp dụng với các lãnh đạo và nền kinh tế Nga, nhằm loại bỏ và cô lập Nga khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu.
Ngoài việc loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ và ngăn các công ty Nga tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, Mỹ và EU còn có các đòn trừng phạt cụ thể nhằm vào tài sản của các lãnh đạo Nga và giới tài phiệt nước này.
Hưởng ứng lệnh trừng phạt, nhiều công ty nước ngoài có trụ sở tại Nga cũng tuyên bố ngưng làm ăn, rút khỏi quốc gia này.
Ngày 27/2, công ty dầu khí BP của Anh tuyên bố từ bỏ cổ phần của mình trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga. Rosneft chiếm khoảng một nửa trữ lượng dầu khí của BP và một phần ba sản lượng của BP. Việc thoái 19,75% cổ phần sẽ dẫn đến khoản phí lên tới 25 tỷ USD, công ty Anh cho biết.
Tiếp bước BP, Shell cũng tuyên bố ngừng mọi hoạt động và rút khỏi Nga. Shell cho biết quyết định rút khỏi các liên doanh của Nga sẽ dẫn đến những thiệt hại, ví dụ như họ sẽ mất khoảng 3 tỷ USD tài sản dài hạn trong các dự án liên doanh ở Nga vào cuối năm 2021.
Ngày 1/3, tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil ra thông báo chỉ trích hành động tấn công quân sự của Nga với Ukraine và tuyên bố sẽ chấm dứt các hoạt động tại Nga. Được biết, tài sản của công ty tại Nga được định giá 4,055 tỷ USD trong báo cáo thường niên mới nhất hồi tháng 2 năm nay.
Bên cạnh đó, hãng công nghệ Apple tuyên bố sẽ ngừng bán sản phẩm tại Nga, Ford Motors cho biết sẽ ngừng sản xuất và giao xe tại Nga, Boeing cũng thông báo đình chỉ các bộ phận, dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật cho các hãng hàng không Nga.
Các công ty Big Tech cũng lực ngăn chặn lực lượng Nga tận dụng các sản phẩm của họ. Microsoft cho biết sẽ xóa ứng dụng di động truyền thông RT của Nga khỏi cửa hàng Windows App và cấm quảng cáo trên các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga tài trợ. Google cấm RT và các kênh khác của Nga nhận tiền cho quảng cáo trên các trang web, ứng dụng và video YouTube, tương tự như động thái của Facebook.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc mới đây tuyên bố phát hiện một vụ phóng nghi là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào ngày 5/3. Theo Reuters, đây là vụ phóng thử thứ 9 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay. Vụ phóng gần đây nhất diễn ra vào ngày 27/2, khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm các hệ thống cho vệ tinh do thám.
Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng sáng 5/3 đã bay xa khoảng 270km ở độ cao 560km, hướng ra bờ biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên.
Đáng chú ý, vụ phóng tên lửa ngày 5/3 của Triều Tiên diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.
Vụ phóng tên lửa đã thu hút sự lên án từ các chính phủ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn lo ngại rằng Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử vũ khí lớn trong những tháng tới.
Các đặc phái viên của Hàn Quốc và Mỹ đã chỉ trích vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác để ngăn chặn Triều Tiên khiến tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.
Trong cuộc họp ngày 5/3 của cơ quan lập pháp Đại hội Nhân dân Toàn quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm 2022 là 5,5%.
Mức tăng trưởng này đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hơn 3 thập kỷ, khi nước này phải đối mặt với nhiều thách thức, từ sức tiêu thụ yếu, các cuộc bùng phát Covid-19 lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến thị trường bất động sản lao dốc.
Mục tiêu tăng trưởng GDP "khoảng 5,5%" được đưa ra dựa trên mức cao nhất của những kỳ vọng từ các chuyên gia kinh tế. Trong một báo cáo ngày 5/2, cơ quan kế hoạch kinh tế quốc gia cho biết "đạt được mục tiêu này sẽ đòi hỏi những nỗ lực gian khổ".
Tuy nhiên, ông cho biết tỷ lệ thâm hụt trên GDP sẽ là 2,8% trong năm nay, thấp hơn mức 3,2% của năm ngoái. Ông hy vọng doanh thu tài khóa sẽ tăng vào năm 2022 và chính phủ có thể sử dụng lợi nhuận từ các doanh nghiệp nhà nước, cho phép tăng chi tiêu hơn 2.000 tỷ NDT (316,5 tỷ USD) vào năm 2022 so với năm 2021.
Tổng chi tiêu của chính phủ trung ương cho ngân sách công dự kiến sẽ tăng 14,3% lên 13.400 tỷ NDT trong năm nay, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết. Con số này đã bao gồm kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng 7,1%.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lý Khắc Cường cho biết để đạt được các mục tiêu kinh tế của năm nay, Trung Quốc cần theo đuổi "các chính sách vĩ mô thận trọng và hiệu quả", với chính sách tiền tệ "linh hoạt và phù hợp". Thủ tướng Lý cũng cho biết tỷ giá hối đoái của đồng NDT “nhìn chung sẽ được giữ ổn định ở mức cân bằng, thích ứng”.
Xem thêm >> Vừa tăng dựng đứng lên 45.000 USD, giá Bitcoin lại đảo chiều giảm sâu
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.