Thế giới tuần qua: Mỹ áp thuế kỷ lục lên EU, tăng trưởng GDP Trung Quốc 'thảm' nhất 3 thập kỷ

Minh Đăng - 19/10/2019 15:49 (GMT+7)

(VNF) - Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 7,5 tỷ USD hàng hóa châu Âu, tăng trưởng GDP Trung Quốc yếu nhất trong gần 30 năm, Anh đề nghị EU trì hoãn Brexit... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua (14/10-20/10).

VNF
Trong suốt 15 năm, EU và Mỹ cáo buộc lẫn nhau liên quan đến trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn chế tạo máy bay Airbus và Boeing.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận ngừng bắn 120 giờ ở Syria

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/10 cho biết Washington và Ankara đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria để Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) có thời gian rút quân khỏi khu vực biên giới ráp Thổ Nhĩ Kỳ.

Cụ thể, trong vòng 120 giờ ngừng bắn, dân quân người Kurd sẽ phải lui về khu vực cách biên giới khoảng 30km.

Đặc biệt, với việc thực hiện lệnh ngừng bắn, Mỹ sẽ không áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Ankara.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao nước này cho biết Ankara đã đồng ý với Washington rằng quân đội nước này sẽ kiểm soát một khu vực an toàn ở miền bắc Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc gặp tại Ankara hôm 17/10. 

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, thỏa thuận mà nước này vừa đạt được với Mỹ “không phải lệnh ngừng bắn”, vì lệnh ngừng bắn chỉ có thể xảy ra giữa hai bên trực tiếp liên quan.

Ông Cavusoglu tiết lộ thỏa thuận với Mỹ không chỉ bao gồm việc YPG sẽ rút lui, mà còn có điều khoản “các vũ khí của YPG sẽ bị thu giữ, các căn cứ sẽ bị phá bỏ”.

Tuy nhien, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 18/10 cảnh báo, nước này sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd tại khu vực đông bắc Syria, nếu thỏa thuận với Mỹ về ngừng bắn không được tôn trọng.

Tuyên bố của Tổng thống Erdogan đưa ra khi có các thông tin về lệnh ngừng bắn 5 ngày giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị vi phạm. Theo các cơ quan Liên Hợp Quốc, đạn pháo và các vụ đụng độ tiếp tục diễn ra, gây ra tình trạng sơ tán trên diện rộng.

Mỹ áp thuế kỷ lục lên EU

Mỹ chính thức áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá kỷ lục 7,5 tỷ USD từ Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 18/10.

Cụ thể, mức thuế Mỹ áp lên các mặt hàng máy bay của Airbus, tập đoàn do Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha hợp tác sáng lập, sẽ là 10%. Trong khi đó, rượu từ Pháp, Tây Ban Nha, Đức và một số sản phẩm nông nghiệp khác sẽ đối mặt với mức thuế 25%.

Washington có động thái trên sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 14/10 đã chính thức cho phép Mỹ áp thuế đối với lượng hàng hóa của EU trị giá 7,5 tỷ USD liên quan cáo buộc EU trợ giá cho ngành công nghiệp hàng không.

Mỹ áp thuế 10% lên các mặt hàng máy bay của Airbus, tập đoàn do Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha hợp tác sáng lập.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo đuổi kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa của EU sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cả về kinh tế lẫn chính trị.

Ông Le Maire cũng cho biết châu Âu sẽ có các biện pháp tương tự, thậm chí mạnh mẽ hơn, trong khuôn khổ các quy định của WTO.

Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom cũng nêu rõ bước đi này của Mỹ khiến cho EU không có lựa chọn khác ngoài việc áp thuế đáp trả "đúng trình tự".

Tăng trưởng GDP Trung Quốc 'thảm' nhất gần 30 năm qua

Trong quý 3/2019, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6% so cùng kỳ năm ngoái, lần lượt thấp hơn 0,2% và 0,4% so với mức tăng của quý 1 và quý 2.Tính chung chín tháng đầu năm, mức tăng trưởng đạt 6,2%. Đây cũng là mức tăng trưởng yếu nhất trong gần 3 thập kỷ qua của nước này.

Thực tế này đến từ tình hình sản xuất kém sôi động trong bối cảnh ảnh hưởng mạnh mẽ từ thương chiến Mỹ - Trung cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quí của Trung Quốc, từ quí IV/2016 đến quí III/2019.

Kết quả tăng trưởng kinh tế quý III/2019 cũng đang ở điểm cận dưới trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 của chính phủ Trung Quốc là từ 6,0 - 6,5%.

Số liệu chính thức vừa công bố khác so với kết quả phân tích của Hãng tin Reuters khi nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc giai đoạn từ tháng 7-9 năm nay đạt 6,1%.

Giới quan sát cho rằng với thực tế đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cần triển khai thêm các biện pháp kích thích, thúc đẩy kinh tế và ngăn chặn đà giảm sâu của tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Mỹ trả một phần tiền nợ Liên hợp quốc

Phó đại sứ Mỹ phụ trách các vấn đề quản lý và cải cách, thông báo tới Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) hôm 18/10 cho biết Mỹ đã góp 180 triệu USD trong khoản nợ hơn một tỷ USD để giúp Liên Hợp Quốc không cạn tiền.

Ông Chalet cho biết thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp 96 triệu USD vào tháng 11.

Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 8/10 cho biết tổ chức này đang thâm hụt ngân sách và có thể cạn tiền vào cuối tháng. Guterres nói nguyên nhân cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng mà LHQ đang đối mặt là 65 trong số 193 quốc gia thành viên chưa đóng phí thường niên, trong đó có Mỹ, quốc gia đóng góp nhiều nhất.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Catherine Pollard, phó tổng thư ký phụ trách chiến lược quản lý LHQ, tuần trước cho biết 128 quốc gia đã góp 1,99 tỷ USD vào ngân sách hoạt động năm 2019 của tổ chức.

Tuy nhiên, 65 quốc gia vẫn đang nợ khoảng 1,386 tỷ USD, trong đó có khoản nợ của Mỹ là 1,055 tỷ USD, trong đó có 674 triệu USD năm 2019 và 381 triệu USD năm 2018.

Theo Pollard, để có ngân sách hoạt động đầy đủ, LHQ cần thu được ít nhất 808 triệu USD từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay. Bà Pollard cho biết Mỹ cũng đang nợ 3,7 tỷ USD cho 14 sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ.

Anh đề nghị EU trì hoãn Brexit

Anh đề nghị EU trì hoãn Brexit.

Thủ tướng Anh gửi thư không có chữ ký tới EU ngày 19/10 yêu cầu trì hoãn Brexit, nhưng ông cũng gửi thêm một lá thư bày tỏ không muốn gia hạn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải tuân theo Đạo luật Benn được các nghị sĩ thông qua tháng trước là yêu cầu EU thay đổi thời hạn Anh rời khỏi liên minh (Brexit) từ ngày 31/10 sang ngày 31/1/2020, nếu đến hạn 31/10 mà hai bên chưa đạt được thỏa thuận.

Ông Johnson gửi tổng cộng ba bức thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, theo một nguồn tin chính phủ Anh giấu tên. Lá thư thứ nhất là bản sao Đạo luật Ben nhưng ông Johnson từ chối ký vào thư này. Johnson viết rằng ông không muốn trì hoãn Brexit trong thư thứ hai và ký vào nó. Trong thư thứ ba, đại sứ Anh tại EU Tim Barrow giải thích rằng Johnson phải bất đắc sĩ gửi thư yêu cầu trì hoãn Brexit để tuân thủ luật pháp.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk thông báo ông đã nhận được yêu cầu từ Johnson. "Tôi sẽ hỏi ý kiến các lãnh đạo EU về cách phản ứng", ông viết trên Twitter ngày 19/10.

Xem thêm >> Mỹ kích hoạt cuộc chiến thuế quan, châu Âu tuyên bố sẵn sàng đáp trảem

Cùng chuyên mục
Tin khác