Thí điểm thuốc lá nung nóng: 'Tôi không đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương'

Quỳnh Anh - 24/05/2024 12:00 (GMT+7)

(VNF) - BS. Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Bảo vệ Sức khỏe Môi trường, cho rằng: "Cần thiết phải cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng".

Chia sẻ với VietnamFinance về đề xuất thí điểm thuốc lá nung nóng của Bộ Công Thương, BS. Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em - Bộ LĐTBXH cho biết: "Với tư cách là một chuyên gia Bảo vệ Quyền Trẻ em, tôi không đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương".

BS. Nguyễn Trọng An. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Theo BS. Nguyễn Trọng An, vào thời điểm năm 2012, khi Việt Nam thông qua Luật Phòng, chống tác hại Thuốc lá (PCTHTL), tình trạng thuốc lá thế hệ mới chưa nổi cộm. Tuy nhiên, hiện tại, thuốc lá thế hệ mới đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Điều này gây ra nhiều tác hại về sức khỏe cho người dân, đặc biệt là Trẻ em và Phụ nữ mang thai.

"Do vậy, tôi đề nghị chúng ta cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật PCTHTL, xây dựng các văn bản hướng dẫn, có quy định cụ thể về cơ chế quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, có các chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm", bác sĩ Nguyễn Trọng An khẳng định.

Không chỉ vậy, ông An cho rằng cần xây dựng và ban hành các quy định "cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng".

Theo đó, BS. Nguyễn Trọng An đề nghị ngành Y tế "cần sớm phân tích, nhận diện đúng về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và phối hợp với các cơ quan Truyền thông tuyên truyền giáo dục với thông điệp rõ ràng, cụ thể: Khẳng định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ…nhằm để bảo vệ sức khỏe người dân".

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids, Mỹ, đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử.

Ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ quy định kiểm soát như dược phẩm sang quy định cấm (Hong Kong, Đài Loan, Venezuela). Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei). Không có quốc gia nào bán thuốc lá nung nóng dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị.

Theo Quan điểm của Bộ Y tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTH thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên.

Do đó, Bộ Y tế cho rằng cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ.

Một năm hơn 1.200 người nhập viện: Cảnh báo 'nóng' về thuốc lá điện tử

Một năm hơn 1.200 người nhập viện: Cảnh báo 'nóng' về thuốc lá điện tử

Thị trường
(VNF) - Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN).
Cùng chuyên mục
Tin khác