Thị phần môi giới cổ phiếu sàn HoSE quý III: SSI tiếp tục dẫn đầu, VPS bất ngờ lọt top 3

Thanh Long - 06/10/2020 13:41 (GMT+7)

(VNF) - Quý III/2020, SSI tiếp tục dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên sàn HoSE. Xếp sau đó là HSC và cái tên đầy bất ngờ: VPS. VCSC từ vị trí thứ 3 quen thuộc đã tụt xuống vị trí thứ 5.

VNF
Thị phần môi giới cổ phiếu sàn HoSE quý III: SSI tiếp tục dẫn đầu, VPS bất ngờ lọt top 3

SSI dẫn đầu thị phần, VPS soán ngôi VCSC

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ quý III/2020.

Với 11,82%, Công ty Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) tiếp tục là công ty chứng khoán dẫn đầu bảng xếp hạng. Thành tích 3 quý đứng ở vị trí số 1 đã giúp SSI tới gần hơn tới cơ hội 7 năm liên tiếp dẫn đầu về thị phần môi giới.

Xếp sau SSI vẫn là Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC, HoSE: HCM) với thị phần 8,43%.

Tuy nhiên, vị trí thứ 3 đã có sự thay đổi bất ngờ. Công ty Chứng khoán VPS vươn lên chiếm giữ vị trí này với 7,65% thị phần. Trước đó, VPS đã đạt được vị trí thứ 6 trong quý I và vị trí thứ 5 trong quý II, cho thấy công ty này đang giữ được đà tăng trưởng khá tốt.

Cái tên quen thuộc ở vị trí thứ 3 là Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) trong quý III đã tụt xuống vị trí thứ 5 với chỉ 6,65%. 

Vị trí thứ 4 thuộc về Công ty Chứng khoán VNDirect.

5 công ty chứng khoán xếp sau gồm: Công ty Chứng khoán MB (MBS) với 5,11% thị phần, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) với 4,49% thị phần, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam với 3,78% thị phần, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) với 3,75% thị phần và Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) với 3,58% thị phần.

Thận trọng sau giai đoạn tăng nóng

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua một quý III đầy biến động. Sau khi phản ứng với đợt lây nhiễm Covid-19 thứ hai bùng phát, thị trường bắt đầu chuỗi ngày hồi phục với xu hướng tăng điểm trên diện rộng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/9, chỉ số VN-Index dừng tại 905,21 điểm, tương đương mức tăng 9,71% trong quý - trở thành một trong những chỉ số chứng khoán tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE đạt 4.535 tỷ đồng/phiên, tăng 4,2% so với quý trước và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Việc Việt Nam đạt được thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa nỗ lực chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế, cộng với một số thông tin hỗ trợ như đầu tư công được đẩy mạnh, tình hình xuất khẩu và thặng dư thương mại được duy trì khả quan, cùng với tâm lý Nhà đầu tư (NĐT) trong nước đã quen dần với khả năng dịch bệnh có thể sẽ kéo dài… được cho là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Bên cạnh đó, sự ra đời của các quỹ ETFs mới như quỹ ETF SSIAM VN FIN LEAĐ, quỹ ETF SSIAM VN30… cũng góp phần thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm kém tích cực là việc khối ngoại vẫn liên tục bán ròng 4.483 tỷ đồng trên sàn HoSE theo phương thức khớp lệnh. Tuy nhiên, nếu tính cả 2 phương thức khớp lệnh và thỏa thuận thì khối ngoại đã mua ròng trở lại 1.775 tỷ đồng trên sàn này.

Theo nhận định của chuyên gia SSI, VN-Index đã rất khó khăn trong việc vượt hẳn mốc tâm lý 900 điểm. Điều này cho thấy vẫn tồn tại tâm lý thận trọng nên đợt tăng này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về sự hồi phục kinh tế sau dịch hơn là giai đoạn tăng nóng.

"Tuy thị trường vẫn còn cơ hội nhưng cơ hội mua vào tốt nhất có thể đã qua và nhà đầu tư cần đặt quản trị rủi ro cao hơn trong lúc này", chuyên gia của SSI khuyến nghị.

Cùng chuyên mục
Tin khác