Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp: Mô hình của Vingroup cũng gặp vướng mắc

Vĩnh Chi - 09/08/2019 10:56 (GMT+7)

(VNF) – Vingroup đã có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao dựa theo cơ chế nhà nước thuê đất của hộ gia đình, cá nhân và cho doanh nghiệp thuê lại đất. “Theo mô hình này, việc chính quyền địa phương cho doanh nghiệp thuê đất là phù hợp pháp luật, nhưng chính quyền thuê đất của dân lại chưa được quy định trong pháp luật đất đai”, GS Đặng Hùng Võ cho hay.

VNF
Ảnh minh họa

Theo GS Đặng Hùng Võ, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển khá mạnh sau khi nhà nước thực hiện chính sách giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài. Động lực cho phát triển nông nghiệp được hình thành từ giải phóng sức sản xuất của hộ gia đình, cá nhân nông dân. Tuy nhiên đến nay động lực này đã cạn dần và kinh tế nông nghiệp cần có động lực mới để phát triển.

Một thực trạng cần nói tới là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thị trường sơ cấp về quyền sử dụng đất giữa nhà nước và người sử dụng đất đã được thực hiện trong quá trình nhà nước giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân. Quá trình này đã hoàn thành cơ bản trên phạm vi cả nước.

Theo quy định của pháp luật đất đai từ 2004 cho tới nay, nhà nước không có quyền thu hồi đất nông nghiệp của hộ của nông dân để giao cho doanh nghiệp nông nghiệp thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp. Như vậy, thị trường sơ cấp về quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không tồn tại. Mọi chuyển dịch đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp đều dựa trên thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất.

Trong thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất tại khu vực nông thôn, gần như mọi giao dịch đất đai không được đăng ký chính thức và thực hiện theo các thủ tục hành chính về quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.

Lý do chính là nông dân cho rằng phí chuyển quyền khá cao, không phù hợp với giá trị đất nông nghiệp rất thấp; nông dân cũng cho rằng thủ tục quá phức tạp và phải đi khá xa. Mọi thủ tục đều thực hiện trong khu vực phi chính thức.

GS Võ cho biết việc tìm động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp đã được đặt ra trong trong nhiều năm qua. Chẳng hạn như tại Lâm Đồng, các hợp tác xã kiểu mới không dựa trên góp chung đất đai mà hợp tác xã chỉ làm nhiệm vụ dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm, người nông dân sản xuất trên thửa đất của mình. Một số hợp tác xã kiểu mới này tại Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Một mô hình khác là doanh nghiệp trong nước và liên doanh với nước ngoài thuê đất trực tiếp của hộ gia đình/cá nhân và thuê lao động của các hộ gia đình/cá nhân sản xuất trên chính đất đã cho thuê.

Mô hình này ban đầu khá tốt nhưng sau đó lại gặp trục trặc do giá đất lên cao khiến các hộ gia đình/cá nhân đòi thêm tiền thuê làm cho doanh nghiệp khó khăn trong điều chỉnh phương án sản xuất. Ngoài ra, hộ gia đình/cá nhân không đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất được thay đổi mục đích sử dụng một số diện tích đất nhất định để sử dụng làm hạ tầng.

Mô hình doanh nghiệp nông nghiệp hợp tác sản xuất với các hộ gia đình/cá nhân theo phương thức: doanh nghiệp đảm nhận việc thống nhất quy trình sản xuất hiện đại, cung cấp cây giống tốt, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và đảm nhận bao tiêu sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp mình.. cũng khá thành công.

Gần đây, tại một số địa phương cũng đã bắt đầu thử nghiệm các mô hình hợp tác xã kiểu mới để liên kết các hộ gia đình, cá nhân. Một số nơi đã hình thành các trang trại quy mô lớn dựa trên các nhóm hộ gia đình giống như phương thức thực hợp tác xã kiểu mới. Mô hình này cũng đã đạt được nhiều hiệu quả tốt nhưng nhưng vẫn chưa là một mô hình có thể phổ biến rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Một số doanh nghiệp lớn hiện nay như Vingroup đã có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao dựa theo cơ chế nhà nước thuê đất của hộ gia đình/cá nhân và cho doanh nghiệp thuê lại đất.

Theo mô hình này, việc chính quyền địa phương cho doanh nghiệp thuê đất là phù hợp pháp luật, nhưng chính quyền thuê đất của dân lại chưa được quy định trong pháp luật đất đai.

“Như vậy, việc mở rộng thị trường sơ cấp giữa nhà nước và người sử dụng đất cần được nghiên cứu để hoạch định chính sách cho phù hợp. Nhà nước chỉ thu hồi đất của dân hay có thể thuê đất của dân rồi cho nhà đầu tư thuê lại?”, GS Võ nêu vấn đề.

Theo GS Võ, còn một mô hình khác là hộ gia đình/cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với doanh nghiệp nông nghiệp. Mặc dù có kết quả khả quan nhưng về mặt lý luận, mô hình góp vốn chưa thực sự phù hợp với trình độ nhận thức của các hộ gia đình nông dân hiện nay, đặc biệt hoàn toàn không phù hợp với các hộ gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

“Trình độ của nông dân chưa thể đảm bảo giám sát tốt các hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Nông dân không thể biết được hoạt động của doanh nghiệp là lãi hay là lỗ, mà chỉ dựa vào báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng người nông dân không tự bảo vệ được lợi ích của mình khi doanh nghiệp đưa ra nhiều con số phức tạp trong hạch toán kinh doanh”, GS Võ phân tích.

GS Võ cho rằng để đổi mới chính sách hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhà nước cần tập trung vào 3 nội dung.

Một là cần có chính sách ưu đãi về nghĩa vụ tài chính, cũng như đơn giảm hóa thủ tục hành chính về giao dịch đất nông nghiệp đối với khu vực nông thôn nhằm phát triển thị trường chính thức về quyền sử dụng đất đất và hạn chế lại thị trường phi chính thức.

Hai là cần nghiên cứu để hoàn thiện thị trường sơ cấp về quyền sử dụng đất giữa nhà nước và những người sử dụng đất theo hướng nhà nước không chỉ thu hồi đất mà có những quyền phù hợp hơn hơn với cơ chế thị trường như quyền thuê đất của hộ gia đình, cá nhân.

Ba là cần tạo cơ chế chế giám sát để đảm bảo tránh rủi ro cho người nông dân khi tham gia vào mối quan hệ sản xuất với các doanh nghiệp nông nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau nhằm tạo điều kiện để phát triển doanh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

“Để đảm bảo việc giám sát hiệu quả, cần áp dụng cơ chế quản trị tốt trong quản lý thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp dựa trên các nguyên tắc công khai - minh bạch, có sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến lợi ích của người dân”, GS Võ khuyến nghị.

Cùng chuyên mục
Tin khác