Thổ Nhĩ Kỹ không công nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga

Chu La - 08/08/2019 16:02 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này không công nhận việc Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và sẽ tiếp tục bảo vệ quyền của người Tatar Crimea.

VNF
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp ngày 7/8.

“Hôm nay tôi một lần nữa khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn ủng hộ nền độc lập của Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã không công nhận và sẽ không công nhận việc sáp nhập Crimea”, ông Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Ankara ngày 7/8.

“Người Tatar Crimea là một yếu tố quan trọng của mối quan hệ giữa các nước chúng tôi. Việc bảo vệ quyền của người Tarar Crimea, giữ gìn bản sắc dân tộc của họ sẽ là ưu tiên”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Erdogan khẳng định ủng hộ thỏa thuận Minsk và bày tỏ hy vọng cuộc xung đột ở miền đông Ukraine sớm kết thúc.

Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi lời chia buồn tới ông Zelensky và nhân dân Ukraine sau khi biết tin bốn quân nhân Ukraine đã bị phiến quân ly khai giết ở miền đông Ukraine.

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp với cộng đồng người Ukraine và Tatar Crimea ở Ankara, ông Zelensky tin tưởng rằng "Crimea chắc chắn sẽ trở lại Ukraine".

Cùng ngày 7/8, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Zelensky đã đề nghị giúp chấm dứt chiến sự ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Zelensky đề nghị nhà lãnh đạo Nga "gây ảnh hưởng phía bên kia để họ ngừng giết hại người dân của chúng tôi".

Theo Tổng thống Putin, để hạ nhiệt căng thẳng xung đột, trước hết cần phải chấm dứt hoạt động bắn phá của quân đội Ukraine vào các khu dân cư ở Donbass.

Tổng thống Nga còn nhấn mạnh Ukraine cần thực hiện thỏa thuận Minsk, bao gồm cả việc cấp quy chế đặc biệt cho các khu vực ly khai của Ukraine.

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014 tại Crimea, Nga đã sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ, trong khi chính quyền Ukraine không công nhận điều này. 96,7% người Crimea đã chọn tách rời khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.

Nga khẳng định việc sáp nhập Crimea tuân thủ luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc, dựa trên nguyện vọng của người dân Crimea. Tổng thống Vladimir Putin cũng ký sắc lệnh về các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người Tatar cũng như các dân tộc khác của Crimea.

Cuộc xung đột ở miền đông Ukraina nổ ra sau khi Nga sáp nhập Crimea. Đức và Pháp đứng ra làm trung gian để ký kết thỏa thuận Minsk vào năm 2015 nhằm giúp giảm bớt chiến sự, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn và các nỗ lực hòa bình bị đình trệ.

Tổng thống Zelensky thắng cử hồi tháng 4 với lời hứa chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine và giải quyết nạn tham nhũng tràn lan.

Ông Zelensky cho biết ông sẽ nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel để thu xếp một cuộc gặp với Tổng thống Putin nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Donbass, miền đông Ukraine.

Xem thêm >> Nga sẵn sàng cung cấp nông sản cho Trung Quốc, ‘thế chỗ’ Mỹ

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác