Thu lợi nhuận khủng nhờ độc quyền vaccine Covid-19, nhiều hãng dược hứng chỉ trích

Mộc An - 07/08/2021 16:15 (GMT+7)

(VNF) - Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất lịch sử đang diễn ra trên toàn cầu đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty sản xuất vaccine Covid-19 không chỉ trong năm nay mà trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, nhiều hãng dược đang hứng chỉ trích giữ thế độc quyền để thu lợi riêng.

VNF
Ảnh minh họa.

Món lợi khổng lồ

Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer vừa nâng dự báo doanh thu bán vaccine Covid-19 của hãng này phối hợp với BioNTech (Đức) trong năm 2021 thêm 29%, lên 33,5 tỷ USD, vượt xa các nhà sản xuất khác.

Pfizer đưa ra dự báo này trên cơ sở doanh thu tăng gần gấp đôi trong quý II khi thu về 7,8 tỷ USD nhờ vaccine Covid-19.

Thêm vào đó, hãng này cũng đã ký kết các thỏa thuận bán khoảng 2,1 tỷ liều vaccine trong năm nay và có thể tăng hơn nữa khi nhiều nước đang tiến hành tiêm bổ sung liều thứ 3 cho người dân.

Vaccine Covid-19 cũng đã thay đổi vận mệnh của Moderna, một công ty công nghệ sinh học Mỹ có trụ sở tại Massachusetts, được thành lập vào năm 2010. Moderna dự đoán doanh thu sẽ đạt ít nhất 19,2 tỷ USD từ vaccine trong năm 2021.

Các nhà phân tích hồi tháng 6 ước tính hai hãng Moderna và Pfizer sẽ chiếm phần lớn trong số 70 tỷ USD lợi nhuận toàn cầu từ vaccine trong năm 2021. Song con số này có thể sẽ cao hơn khi biến thể Delta lây lan rộng rãi và các nhà khoa học đang tranh luận liệu mọi người có cần tiêm mũi nhắc lại hay không.

Dù cam kết không kiếm lợi nhuận từ việc bán vaccine trong suốt dịch Covid-19, liên doanh dược Thụy Điển-Anh AstraZeneca cho biết lợi nhuận ròng tăng 40% lên 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 trong khi tổng doanh thu tăng gần 25% lên 15,5 tỷ USD.

Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot, cho biết tính đến nay, AstraZeneca và các đối tác đã phân phối 1 tỷ liều vaccine đến trên 170 nước.

Hứng chỉ trích giữ thế độc quyền để thu lợi riêng

Theo báo cáo mới đây của của Liên minh Vaccine cho Tất cả mọi người, chi phí tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể giảm xuống ít nhất 5 lần nếu các hãng dược không giữ thế độc quyền để thu lợi riêng.

Cụ thể, theo phân tích của liên minh này, Pfizer/BioNTech và Moderna đang tính giá bán vaccine cho chính phủ cao hơn 41 tỷ USD so với chi phí sản xuất ước tính.

“Tuần trước, Pfizer/ BioNTech thông báo họ sẽ cấp phép cho một công ty Nam Phi cung cấp và đóng gói 100 triệu liều để sử dụng ở Châu Phi, nhưng đây chỉ là một con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Cả hai hãng dược đều không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vaccine với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển, một động thái có thể giúp tăng nguồn cung toàn cầu, hạ giá thành và cứu sống hàng triệu người”, báo cáo của liên minh nêu rõ.

Theo Liên minh Vaccine cho Tất cả mọi người, phân tích các kỹ thuật sản xuất vaccine mRNA hàng đầu do Pfizer/ BioNTech và Moderna sản xuất, chỉ được phát triển nhờ nguồn ngân sách công với khoảng 8,3 tỷ USD, cho thấy những loại vaccine này có thể được sản xuất với chi phí là 1,2 USD/liều.

Tuy nhiên, COVAX, chương trình được thành lập để giúp các quốc gia tiếp cận với vaccine COVID, đã phải chi trả trung bình gấp gần 5 lần.

COVAX cũng đã phải vật lộn để có đủ liều lượng và đáp ứng tốc độ yêu cầu, vì nguồn cung không đủ và thực tế là các nước giàu đã tìm cách để được đứng đầu danh sách chờ bằng cách sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều.

Theo liên minh này, nếu không có độc quyền dược phẩm về vaccine làm hạn chế nguồn cung và đẩy giá lên thì số tiền mà COVAX chi cho đến nay có thể đủ để tiêm chủng đầy đủ cho mọi người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bằng giá thành sản xuất, nếu có đủ nguồn cung.

Liên minh của gần 70 tổ chức, bao gồm Liên minh châu Phi, Oxfam và UNAIDS, cho biết, việc một số nước giàu không ủng hộ việc dỡ bỏ độc quyền và giảm giá vaccine đang ở mức cao một cách bất hợp lý đã góp phần trực tiếp vào tình trạng khan hiếm vaccine ở các quốc gia nghèo hơn.

Pfizer và Moderna muốn tăng giá vaccine tại châu Âu

Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và Moderna được cho là đã tăng giá vaccine ngừa Covid-19 trong các hợp đồng cung cấp mới nhất cho Liên minh châu Âu (EU).

Financial Times ngày 2/8 dẫn nguồn nội dung hợp đồng mua bán vaccine cho biết EU đã nhất trí trả 19,5 euro (23,1 USD) cho mỗi liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech theo hợp đồng ký hồi tháng 5 gồm 1,8 tỷ liều, tăng so với mức giá trước đó là 15,5 euro/liều trong hai hợp đồng cung ứng ban đầu gồm 600 triệu liều.

Giá một liều vaccine của hãng Moderna cũng tăng từ 22,6 USD lên 25,5 USD cho đơn hàng gồm 300 triệu liều.

Tuy nhiên, các mức trả giá mới của EU vẫn chưa bằng mức giá mà Mỹ đã đồng ý chi trả cho đơn hàng mới nhất trong tháng 7.

Giá vaccine của hãng Moderna vẫn ở mức thấp nhất trong ngưỡng 25 - 37 USD mà công ty đặt ra hồi năm ngoái, nhưng Pfizer và BioNTech cho biết giá càng rẻ với đơn hàng càng lớn.

Một quan chức EU cho biết giá vaccine tăng lên vì đã có thêm bằng chứng về tính hiệu quả của vaccine và tác động tích cực của vaccine khi giúp nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại và phục hồi sau giai đoạn suy thoái do dịch bệnh.

Xem thêm >> Việt Nam đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời, đầy đủ

Cùng chuyên mục
Tin khác