Thu phí cảng biển Hải Phòng: vẫn 'trên rải thảm đỏ, dưới rải đinh'

Hồ Mai - 28/02/2017 09:39 (GMT+7)

(VNF) - Các hiệp hội doanh nghiệp vừa phát đi văn bản tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về quyết định thu phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Văn bản nêu rõ "cách xử lý của các bộ ngành chưa mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và chưa truyền tải được tinh thần của Chính phủ kiến tạo... tình trạng ''trên rải thảm đỏ dưới rải đinh" vẫn phổ biến".

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam VPSF (Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) cùng các Hiệp hội ngành hàng (Dệt May Việt Nam, Da giày &Túi xách Việt Nam, Bông Sợi Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam ...), Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản vừa tiếp tục gửi văn bản kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về quy định thu phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng lên Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 24/2/2017 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản chỉ đạo về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng cảng biển. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ GTVT và VCCI làm việc với UBND TP. Hải Phòng để rà soát, xem xét cụ thể quy định về mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí, tình trạng chồng lấn, trùng lắp (nếu có) và việc thực hiện thu phí trên của TP. Hải Phòng đảm bảo phù hợp với Luật Phí và lệ phí, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017.

Trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ 3 ngày (ngày 21/2), UBND TP. Hải Phòng khẳng định việc ban hành Nghị quyết 148 của thành phố về quy định thu phí cửa khẩu cảng biển là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và phù hợp với cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng cho biết quyết định cuối cùng về việc thu phí này được đưa ra trên cơ sở ý kiến góp ý từ các cơ quan quản lý trên địa bàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cảng biển, xuất nhập khẩu hàng hóa, hãng tàu... Đề án thu phí cũng được đưa ra báo cáo tại các cuộc tiếp xúc giữa Hội đồng nhân dân và cử trị địa phương với đa số ý kiến đều đồng tình.

Ngoài ra, theo khẳng định của chính quyền thành phố, việc thu phí này không ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu vì thời gian để giải quyết một bộ hồ sơ thu phí khoảng 3 phút, không để tình trạng ách tắc trong quá trình thu phí.

Trước đó, từ ngày 1/1/2017, Hải Phòng triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Theo UBND thành phố, phần thu này nhằm mục tiêu bù đắp chi phí duy tu bảo dưỡng, duy trì, phục vụ tái tạo công trình hạ tầng kỹ thuật ở khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, việc thu phí này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía các doanh nghiệp có liên quan. 

Thông qua văn bản mới nhất kiến nghị gửi Thủ tướng, hiệp hội các doanh nghiệp  thấy có "những vấn đề quan trọng cần tiếp tục báo cáo Thủ tướng để minh bạch mọi nội dung cũng như để các bên liên quan có căn cứ xem xét thấu đáo sự việc".

Theo đó, hiệp hội các doanh nghiệp đã chỉ rõ những điểm bất hợp pháp và không hợp lý của Nghị quyết 148.

Những điểm bất hợp pháp

Về tính hợp pháp của Nghị quyết 148, hiệp hội các doanh nghiệp cho biết, mặc dù Luật phí và lệ phí cho phép Hải Phòng được thu phí hạ tầng cửa khẩu cảng nhưng việc ban hành và áp dụng mức phí này có dấu hiệu vi phạm một số điểm của chính Luật phí và lệ phí, Pháp lệnh Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia (Việt Nam nội luật hóa trên cơ sở các cam kết WTO), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Cụ thể, Khoản 1 Điều 3 Luật phí và lệ phí quy định nguyên tắc đầu tư trước thu phí sau, cung cấp dịch vụ công rồi tính phí căn cứ vào hạng mục và phương thức cung cấp dịch vụ. Điều 8 Luật phí và lệ phí quy định nguyên tắc thu phí lấy thu bù chi, đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và bình đẳng.

Việc Hải Phòng dự kiến thu phí hạ tầng cửa khẩu cảng để đầu tư nâng cấp toàn bộ đường vào cảng và các tuyến đường nội đô khác (253km) vi phạm Điều 3 nêu trên đồng thời tạo ra tình trạng "phí chồng phí'' vì kinh phí cho đầu tư nâng cấp đường giao thông đã được các chủ phương tiện nộp qua phí bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng cơ sở hạ tầng cảng và đường nội đô không chỉ có doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) mà doanh nghiệp có hàng hóa trong nước và nhiều phương tiện khác cũng sử dụng.

Việc chỉ thu phí hạ tầng cửa khẩu cảng với đối tượng XNK không đảm bảo nguyên tắc công bằng nêu tại Điều 8. Để đảm bảo nguyên tắc minh bạch cũng tại Điều 8, thành phố Hải Phòng phải làm rõ phạm vi cơ sở hạ tầng cửa khẩu cảng biển mà các doanh nghiệp chưa nộp phí, mức đầu tư là bao nhiêu hàng năm và qua đó tính mức phí thu phù hợp, không phân biệt đối xử với tất cả người sử dụng cơ sở hạ tầng này.

Việc chỉ áp dụng phí hạ tầng cửa khẩu cảng biển với hàng XNK mà không áp dụng với hàng trong nước đi qua khu vực cảng Hải Phòng sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia trong WTO (vi phạm Điều 3 GATT) đã được nội luật trong Pháp lệnh Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia năm 2002.

Các hiệp hội chủ hàng và vận tải khẳng định "đều không được lấy ý kiến trong quá trình Hải phòng ban hành nghị quyết. Hải Phòng không đánh giá tác động với thủ tục hành chính, không đăng tải dự thảo văn bản trên Cổng Thông tin điện tử thành phố tối thiểu 30 ngày theo quy định của Luật ban hành VBQPPL (Điều 120 v.v...) và theo Điều 2 của Luật Ban hành VBQPPL, những văn bản vi phạm trình tự thủ tục sẽ không được coi là VBQPPL".

Quy định bất hợp lý

Về tính hợp lý của Nghị quyết 148, các hiệp hội cho rằng, Hải Phòng là cảng lớn nhất miền Bắc chiếm 35% tổng lưu lượng hàng hóa XNK của cả nước. Theo thống kê của JETRO (Nhật Bản), hiện một Container hàng từ Hà Nội qua cảng Hải Phòng sang Nhật đã phải chịu rất nhiều mức phí khiến giá thành là 990 USD so với 170 USD từ Quảng Châu, 550 USD từ Manila. Việc áp dụng phí này sẽ khiến các doanh nghiệp XNK chi phí thêm rất nhiều vì thời gian trung bình để thực hiện việc nộp phí mất khoảng hơn 2h, phải bổ sung giấy tờ thông quan và tăng chi phí lưu kho do không giải phóng được hàng trong ngày. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của hàng XNK từ Việt Nam cũng như môi trường đầu tư của Hải Phòng và Việt Nam.

Các hiệp hội thông qua văn bản kiến nghị lên Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý của quy định này.

Theo đó, khoảng cách từ cảng Hải Phòng đến đường cao tốc hay đường 5 chỉ tầm 20km nhưng mức phí 500,000đ/1container 40 feet tương đương với phí cầu đường của toàn bộ đường 5 về Hà Nội và bằng 50% mức phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong khi khoảng cách chỉ bằng 1/5. 

"Quyết định của Hải Phòng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của hàng nghìn doanh nghiệp XNK, cũng ảnh hưởng trực tiếp tới thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc nguồn ngân sách trung ương, cụ thể, kết quả khảo sát cho biết: 27% doanh nghiệp giảm lợi nhuận trên 15%; 20% doanh nghiệp giảm lợi nhuận từ 5-10%; 40% doanh nghiệp giảm lợi nhuận từ 1- 5%", văn bản cho biết.

Và để ứng phó tình trạng này, kết quả khảo sát cho thấy 30% doanh nghiệp sẽ tăng giá bán để bù đắp chi phí phát sinh, 16,7% doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động và chi phí. Các doanh nghiệp XNK qua cảng Hải Phòng phần lớn thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, bông sợi...là các đơn vị sử dụng lượng lao động rất lớn; riêng nhân công ngành dệt may và da giày trên toàn quốc đã tầm 4 triệu người. Như vậy, tỉ lệ cắt giảm lao động dù rất nhỏ thì cũng là con số hàng nghìn người, sẽ tạo ra các hệ lụy đáng quan ngại xét trên nhiều phương diện (Phụ lục 2 kết quả khảo sát kèm theo công văn).

Tình trạng ''trên rải thảm đỏ dưới rải đinh" vẫn phổ biến

Cũng theo các hiệp hội, tại công văn số 10/UBTW-DNT ngày 23/01/2017, VPSF tổng hợp ý kiến các Hiệp hội doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng và các Bộ liên quan, đã nêu một số vấn đề quan ngại lớn như: việc ảnh hưởng chính sách tài khóa quốc gia thắt chặt; việc lạm thu phí tại các địa phương với mức phí cao và rất khác nhau làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương cũng như hàng hóa và dịch vụ của mỗi doanh nghiệp, đi ngược chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả của các chiến lược quốc gia về thu hút hàng hóa trung chuyển, giảm chi phí logistics, chiến lược thu hút đầu tư...

"Tuy nhiên, trừ những ý kiến đánh giá và kiến nghị tương đối khách quan của Bộ Công thương, những vấn đề nêu trên hầu như bị bỏ qua hoặc chỉ nhắc tới rất chung chung trong phần tham mưu cho Thủ tướng của các Bộ liên quan khác. Cách xử lý của các Bộ ngành như trên có thể nói, chưa mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và chưa truyền tải được tinh thần của Chính phủ kiến tạo, hành động vì phát triển kinh tế", các hiệp hội cho biết và khẳng định "tình trạng ''trên rải thảm đỏ dưới rải đinh" vẫn phổ biến và như thế, khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nên sức bật cho kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng theo tinh thần Nghị quyết 19 năm 2017 mà Chính phủ mới ban hành dường như vẫn còn khá xa".

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cùng các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị Thủ tướng đình chỉ thi hành Nghị quyết 148 của thành phố Hải Phòng, chỉ đạo các Bộ liên quan, UBND thành phố Hải Phòng tính đúng, đủ mức phí theo quy định của pháp luật hiện hành; đánh giá tác động trong cộng đồng doanh nghiệp để cân đối với các chiến lược kinh tế tổng thể khác.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.