Thủ tướng: ‘Giá điện của ta không thể giống nước phát triển, quá cao thì nền kinh tế không chịu được’

Kỳ Thư - 03/02/2023 17:41 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, nếu giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được

VNF
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 ngày 3/2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương kiến nghị Chính phủ phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân

Khung giá bán lẻ điện bình quân sẽ làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện (kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào).

Trả lời việc này, Thủ tướng Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chính sách về giá điện “cần khẩn trương làm nhưng phải phù hợp với nền kinh tế, thu nhập người dân”.

“Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển. Giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo, điều hành không giật cục, dung hoà được lạm phát và tăng trưởng, tức là vừa phải đẩy mạnh sản xuất nhưng kiểm soát được lạm phát”, Thủ tướng lưu ý.

Năm ngoái EVN ước lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng và đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương cho biết đang rà soát và sẽ có lộ trình tăng hợp lý.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh), duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề liên quan đến điện, một trong những lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Theo Thủ tướng, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; truyền tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải.

Về giá điện, Thủ tướng nhấn mạnh giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, nếu giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Thủ tướng giao Bộ Công Thương sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian qua Bộ đã chú trọng công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu được quan tâm. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tập trung gia tăng năng lực sản xuất mới, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp và chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ phát triển sản xuất bền vững;

Mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; đẩy mạnh sức mua trong nước; tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Cùng chuyên mục
Tin khác