Chính sách mới: Bãi bỏ một số quy định về điện mặt trời; giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp

Lệ Chi - 31/01/2023 19:48 (GMT+7)

(VNF) -  Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; bãi bỏ một số quy định về phát triển điện gió, điện mặt trời; quy định chế độ kế toán giao nhận tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước... là những chính sách mới đầu năm 2023.

VNF
Bãi bỏ một số quy định về phát triển điện gió, điện mặt trời

Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 07/NQ-CP giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo nội dung quy định trên.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế gạch đầu dòng thứ tư điểm a mục 3 phần II Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Bãi bỏ một số quy định về phát triển điện gió, điện mặt trời

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 01/2023/TT-BCT bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió và Thông tư số 18/2020/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

Thông tư 01/2023/TT-BCT bãi bỏ một số quy định tại Thông tư 02/2019/TT-BCT quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió, đơn cử như: khoản 3 điều 3 (quy hoạch và danh mục phát triển các dự án điện gió); điều 4 (bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực), điều 7 (điều kiện khởi công và thi công xây dựng công trình dự án điện gió); khoản 2 điều 9 (chế độ báo cáo và quản lý vận hành)…

Bên cạnh đó bãi bỏ một số quy định tại Thông tư 18/2020/TT-BCT về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời: điểm a khoản 1 Điều 4 (Phát triển dự án điện mặt trời nối lưới); bãi bỏ cụm từ “giá mua bán điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam” tại điểm a khoản 1 điều 5.

Quy định chế độ kế toán giao nhận tiền mặt tại NHNN

Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 25/2022/TT-NHNN quy định chế độ kế toán giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư này áp dụng đối với Cục Phát hành và Kho quỹ, Chi cục Phát hành và Kho quỹ, Vụ Tài chính - Kế toán, Sở Giao dịch, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (NHNN chi nhánh) và các đơn vị, tổ chức có liên quan đến việc giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu huỷ tiền mặt tại NHNN.

Thông tư nêu rõ quy định về thực hiện công tác kế toán. Theo đó, Vụ Tài chính - Kế toán thực hiện kế toán các nghiệp vụ giao nhận, điều chuyển và tiêu huỷ tiền mặt tại các kho tiền trung ương, kho tiền tiêu hủy.

NHNN chi nhánh, sở giao dịch thực hiện kế toán các nghiệp vụ giao nhận, điều chuyển, phát hành và thu hồi tiền mặt tại kho tiền NHNN chi nhánh, sở Giao dịch. NHNN chi nhánh, sở giao dịch, Cục Phát hành và kho quỹ thực hiện kế toán đối với nghiệp vụ tuyển chọn tiền mặt.

Hội đồng tiêu huỷ tiền NHNN thực hiện kế toán các nghiệp vụ xuất, nhập, giao, nhận tiền tiêu hủy giữa các tổ trong Hội đồng tiêu hủy theo Thông tư quy định tiêu hủy tiền của NHNN.

Thông tư nêu rõ quy ước giá trị khi hạch toán nhập, xuất các loại tiền. Một, đối với các loại tiền thuộc Quỹ dự trữ phát hành (Quỹ DTPH) và Quỹ nghiệp vụ phát hành (Quỹ NVPH): giá trị hạch toán khi nhập, xuất Quỹ DTPH, Quỹ NVPH là giá trị nhập, xuất tiền (mệnh giá x số lượng).

Hai, đối với tiền mẫu là các loại tiền mẫu tiền chưa công bố lưu hành được hạch toán theo giá quy ước mỗi tờ hoặc mỗi miếng tiền kim loại là 1 đồng; khi tiền mẫu tiền đã công bố lưu hành thì phải hạch toán theo mệnh giá.

Đối với tiền lưu niệm, giá trị hạch toán là giá quy ước mỗi tờ tiền/hoặc miếng tiền kim loại là 1 đồng.

Đối với tiền nghi giả được hạch toán theo mệnh giá mỗi tờ tiền hoặc miếng tiền kim loại. Tiền giả được hạch toán theo giá quy ước mỗi tờ tiền hoặc miếng tiền kim loại là 01 đồng.

Đối với tiền biến dạng, hư hỏng nghi do hành vi huỷ hoại (tiền nghi bị phá hoại), tiền biến dạng, hư hỏng do hành vi huỷ hoại (tiền bị phá hoại): tiền nghi bị phá hoại chờ xử lý khi NHNN tạm thu giữ hiện vật, chưa có kết luận của cơ quan công an, hạch toán theo mệnh giá của mỗi tờ tiền hoặc miếng tiền kim loại;

Tiền bị phá hoại (khi có kết luận giám định của cơ quan công an), xử lý nếu tiền bị phá hoại xác định được mệnh giá: NHNN thu và hạch toán trên các tài khoản nội bảng theo giá trị nhập, xuất tiền (mệnh giá x số lượng); nếu tiền bị phá hoại không xác định được mệnh giá: NHNN thu và hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng theo giá quy ước mỗi tờ/miếng là 1 đồng.

Đối với tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc phát hiện qua kiểm đếm hạch toán theo mệnh giá mỗi tờ tiền hoặc miếng tiền kim loại.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2023. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Quyết định số 37/2007/QĐ-NHNN ngày 26/10/2007 ban hành chế độ kế toán giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt hết hiệu lực thi hành.

Cùng chuyên mục
Tin khác