Thủ tướng: Xây dựng trung tâm tài chính, khó mấy cũng phải làm

Tiểu Vy - 04/01/2025 13:06 (GMT+7)

"Cần Việt Nam hóa vì mình học tập, nhưng phải phù hợp điều kiện Việt Nam, có nguồn nhân lực, hạ tầng... thống nhất của các cơ quan trong hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nói.

Tại hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sáng 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng là việc tất yếu, "khó mấy cũng phải làm".

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ảnh Sỹ Đông.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, năm 2025, nước ta vẫn ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung cho các giải pháp an sinh - xã hội, cuộc sống người dân phải ấm no, hạnh phúc hơn. Các giải pháp cụ thể trong năm tới là làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm...).

"Cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Đây là những vấn đề cần đi tắt đón đầu, phải đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên. Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế, khu vực nhằm tạo không gian phát triển mới và động lực tăng trưởng mới", Thủ tướng nêu.

"Cách làm là chúng ta hoàn thiện thể chế, Việt Nam hóa các tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này. Cần Việt Nam hóa vì mình học tập, nhưng phải phù hợp điều kiện Việt Nam, phải có nguồn nhân lực, phải có hạ tầng, phải có tổ chức công nghệ quản lý, phải có sự đồng lòng, thống nhất của các cơ quan trong hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh Sỹ Đông

Thủ tướng làm rõ, điều kiện để hình thành trung tâm tài chính tại Việt Nam dựa trên 5 yếu tố. Đầu tiên là quy mô kinh tế của nước ta năm nay đã xếp hạng 34 thế giới, GDP (tổng sản phẩm) bình quân đầu người khoảng 4.700 USD.

Yếu tố thứ 2 là Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với 7% năm 2024, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là cả nước phấn đấu tăng trưởng 2 con số, ít nhất là 8%. 

Với quy mô nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, nhiều mục tiêu đặt ra cho năm 2025, nhu cầu vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp của các nước rất lớn.

Yếu tố thứ 3 là Việt Nam đang đạt được thành quả tích cực về những đột phá chiến lược. Trong đó, thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Yếu tố thứ 4 là vốn hóa nền kinh tế của Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán cao nhất trong khu vực. Nước ta cũng có nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn.

Yếu tố cuối cùng là đất nước ta có nền chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, môi trường hợp tác phát triển thuận lợi, cuộc sống thanh bình, an ninh, an toàn, an dân.

"Điều kiện đã rõ, vấn đề là làm như thế nào. Chính phủ phải nhanh chóng trình Quốc hội các cơ chế chính sách về trung tâm tài chính tại kỳ họp tháng 5 tới đây. Đà Nẵng và TP. HCM phải cùng chuẩn bị với Chính phủ. Đây là việc khó, việc mới, phức tạp nhưng phải làm, không làm không được, không làm thì đất nước không phát triển, không thể có tăng trưởng 2 con số. Khó mấy cũng phải làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên nhắc lại Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu phải có những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội để có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế, sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sẽ đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư, tổ chức tài chính. Ảnh Sỹ Đông.

"Việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của Trung ương, sự quyết tâm, quyết liệt và đồng lòng của đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp tại TP. HCM trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả", Bí thư Thành ủy TP. HCM chia sẻ.

Người đứng đầu Đảng bộ TP. HCM cũng khẳng định, địa phương nhận thức rõ, trung tâm tài chính không chỉ tập trung cho các hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay đầu tư. Đây còn là nơi hội tụ tri thức, công nghệ, kết nối toàn cầu để thu hút nguồn vốn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Bí thư Thành ủy TP. HCM cho rằng, dự án trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là một dự án phát triển kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính thế giới. Đây là bước đi chiến lược giúp nước ta kết nối sâu hơn với dòng chảy kinh tế, dẫn dắt sự phát triển bền vững với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới, sáng tạo.

Cùng chuyên mục
Tin khác