Tham vọng thành ‘trung tâm tài chính toàn cầu’ của Thượng Hải đã sụp đổ thế nào?
(VNF) - Hơn 15 năm sau khi Trung Quốc cam kết biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính toàn cầu, thành phố cảng này đang dần cách xa kỳ vọng ban đầu.
Tham vọng biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính quốc tế
Là một thành phố hưởng lợi từ nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế kể từ khi Trung Quốc “mở cửa” vào năm 1979, Thượng Hải là cảng container lớn nhất thế giới và là cơ sở của nhiều công ty nước ngoài.
Vào mùa xuân năm 2009, Hội đồng nhà nước Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đất nước, đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: “Thượng Hải sẽ trở thành một trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020”.
Mục tiêu này báo hiệu một sự mở cửa rộng rãi hơn và được nhắc tới liên tục sau khi Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 dự báo về phép màu kinh tế của Trung Quốc.
“Mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế là rất đáng kỳ vọng, không chỉ đối với Thượng Hải, mà còn đối với Trung Quốc nói chung”, Viện Brookings đã viết vào năm 2011.
Phòng Thương mại Mỹ cũng cho biết Thượng Hải "đang trên đà" đạt được mục tiêu của mình một năm sau đó vào năm 2012.
“Tôi rất phấn khích và tôi liên tục nói với tất cả những người trẻ tuổi rằng tương lai của ngành tài chính là Thượng Hải”, ông Han Shen Lin, cựu phó tổng giám đốc ngân hàng Wells Fargo tại Trung Quốc và hiện là giám đốc quốc gia Trung Quốc của The Asia Group, một công ty tư vấn của Mỹ, nhớ lại.
Vào thời điểm đó, “mọi người đều nghĩ rằng Trung Quốc sẽ thành công trong việc nới lỏng kiểm soát vốn của mình”, ông nói thêm, ám chỉ đến việc chính phủ kiểm soát chặt chẽ dòng tiền theo cả hai hướng qua biên giới của mình.
Đối với Thượng Hải, mục tiêu này là một cơ hội rõ ràng. Vào năm 2012, thành phố này đã tiên phong trong cái gọi là chương trình Hợp tác hữu hạn nội địa đủ điều kiện (QDLP).
QDLP cho phép các nhà quản lý tài sản trong và ngoài nước huy động tiền tệ từ các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao và các nhà đầu tư tổ chức tại Trung Quốc cho mục đích đầu tư ra nước ngoài, thông qua một sản phẩm trung gian của Trung Quốc.
Một nhà quản lý tài sản Trung Quốc cho một công ty nước ngoài, cho biết kế hoạch của Thượng Hải phản ánh "vị thế độc nhất của nó trong cấu trúc chính trị" của Trung Quốc. Bí thư Thượng Hải, hiện là ông Trần Cát Ninh, cũng là 1 trong 24 ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX.
Ông Trần cho biết thành phố "rất vinh dự khi được thử nghiệm các chính sách mới" và hàng chục công ty quản lý tài sản nước ngoài đã thành lập tại thành phố này với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ được hưởng lợi từ quá trình quốc tế hóa của Trung Quốc.
Kế hoạch này chỉ là một trong số nhiều kế hoạch, bao gồm cả cái gọi là liên kết Stock Connect giữa sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông, dường như cho phép nhiều tiền hơn rời khỏi đất nước theo cách được kiểm soát chặt chẽ.
Vào năm 2020, những biện pháp nới lỏng mới sau đó đã khuyến khích nhiều khoản đầu tư hơn từ các công ty quốc tế như Goldman Sachs, Amundi và BlackRock.
Nhưng kể từ đó, các nhà quản lý tài sản nước ngoài, giống như các ngân hàng nước ngoài, đã phải vật lộn để phát triển tại Thượng Hải. Hạn ngạch QDLP của Thượng Hải, yêu cầu các công ty phải có được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý, vẫn không thay đổi kể từ năm 2020 và ở mức 10 USD, chỉ gấp đôi quy mô năm 2015.
Ông Peter Alexander, người sáng lập công ty tư vấn quản lý tài sản Z-Ben Advisors, cho hay: “Không còn nghi ngờ gì nữa rằng những gì được hình dung... không những không thành hiện thực mà còn bị gác lại trong thời điểm hiện tại”.
Một nhân viên của một ngân hàng trung ương châu Á cho biết các nhà đầu tư toàn cầu “muốn mua cổ phiếu trực tiếp từ Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, không phải thông qua chương trình Stock Connect qua Hồng Kông”.
Chính quyền Thượng Hải cho biết SAFE, cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc, đã nhiều lần ủng hộ việc mở rộng hạn ngạch QDLP của Thượng Hải và trích dẫn sự tham gia của các công ty như BlackRock và UBS.
Báo cáo cũng cho biết thêm rằng Thượng Hải "về cơ bản đã khẳng định" mình là một trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020, rằng các công ty quốc tế tiếp tục mở rộng hoạt động tại thành phố này và cải cách và mở cửa tài chính sẽ "không bao giờ dừng lại".
Nhưng giờ đây, thành phố này đang nằm giữa kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự ngờ vực lẫn nhau trên khắp Thái Bình Dương, và ngày càng xa rời tài chính quốc tế.
Xa dần mục tiêu
Các công ty luật của Mỹ, từng là những đơn vị tham gia vào các luồng tài chính xuyên biên giới khổng lồ, đã rời khỏi Thượng Hải khi đầu tư nước ngoài giảm mạnh.
Không có ngân hàng phương Tây nào tham gia vào bất cứ đợt IPO nào trên thị trường chứng khoán Thượng Hải trong năm nay và, trong một thị trường tập trung vào thị trường trong nước, nhu cầu về nhân viên nước ngoài ngày càng không rõ ràng.
Các công ty quản lý tài sản đổ xô đến thành phố này với hy vọng nới lỏng kiểm soát vốn của Trung Quốc phải tính đến viễn cảnh Bắc Kinh sẽ thắt chặt chúng vào một ngày nào đó.
Nhiều công ty tài chính hàng đầu thế giới vẫn duy trì ít nhất một sự hiện diện mang tính danh nghĩa ở Thượng Hải, hy vọng vào một trong nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong lịch sử của thành phố này.
Ngành tài chính Trung Quốc cũng không còn được ưa chuộng, với việc cắt giảm lương tràn lan và tập trung vào “nền kinh tế thực”. “Nhiều nhà tài chính hiện cảm thấy xấu hổ về nghề nghiệp của mình”, một nhân viên ngân hàng cho biết, đồng thời nói thêm rằng Thượng Hải đang “dần xa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính toàn cầu”.
Trong khi đó, khi động lực kinh tế suy yếu ở Trung Quốc, với việc chính phủ chịu áp lực phải đạt mục tiêu GDP 5%, các lợi ích tài chính từ sự hiện diện ở đại lục không còn rõ ràng nữa.
Trong số 88 doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực quản lý tài sản, Z-Ben Advisors ước tính rằng lợi nhuận trên vốn đầu tư đã bị hạn chế đối với hầu hết "nếu không muốn nói là tất cả" các doanh nghiệp này và "khả năng tự duy trì phần lớn là không thể".
"Do đó, tình trạng đốt tiền là một vấn đề thường xuyên và lan rộng", công ty tư vấn này lưu ý vào tháng 9.
Sau đợt bùng phát Covid-19 ở Thượng Hải vào mùa xuân năm 2022, chính quyền địa phương ban đầu đã phản ứng với một mức độ linh hoạt, trước khi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong hai tháng.
Kết quả là, dân số người nước ngoài tại Thượng Hải đã giảm mạnh. Một ước tính do một nhóm nghiên cứu trong thành phố đưa ra cho thấy dân số người nước ngoài là 72.000 người vào cuối năm 2023, chỉ bằng khoảng 1/3 so với hơn 200.000 người vào năm 2018.
Một số người tin rằng sự giám sút của Thượng Hải có thể đảo ngược. Mặc dù phải vật lộn để có lợi nhuận, Z-Ben lưu ý rằng có rất ít nhà quản lý tài sản muốn rời bỏ Thượng Hải. Alexander chỉ ra "kỳ vọng rằng điều này có thể đảo ngược và chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ ở lại đó và không rời đi".
Bên cạnh đó, có những chính sách thu hút sự chú ý của những người vẫn đang trông chờ vào việc mở cửa, chẳng hạn như chương trình kết nối hoán đổi mới giữa Thượng Hải và Hồng Kông, được đưa ra vào năm 2023 và là một phần trong các cải cách nhằm phát triển thị trường phái sinh.
Với quy mô rộng lớn và tầm quan trọng trong nước, các công ty đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực có sự hiện diện lớn tại và gần Thượng Hải, cung cấp một số hoạt động kinh doanh cho các tổ chức tài chính trong nước, ngay cả khi nền kinh tế đáng thất vọng đã gây căng thẳng cho hoạt động kinh doanh và căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng đến các khoản đầu tư mới.
Hãng xe điện Tesla hàng đầu của Mỹ có nhà máy lớn nhất tại Thượng Hải và hơn một nửa trong số 500 công ty Fortune đã xuất hiện tại hội chợ nhập khẩu thường niên trong tháng này.
Trung Quốc đáp trả ông Trump: 'Không ai thắng trong chiến tranh thương mại'
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.