Thua lỗ hàng trăm tỷ, Nhựa Đông Á sắp bị hủy niêm yết bắt buộc

Hải Đường - 12/10/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Nhựa Đông Á - doanh nghiệp nhựa có hơn 20 năm trên thương trường, 14 năm trên thị chứng khoán có thể sắp phải rời sàn do vi phạm các quy định về công bố thông tin

Xem xét huỷ niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) mới đây đã gửi văn bản tới Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (HoSE: DAG) về việc huỷ bỏ niêm yết bắt buộc. Theo đó, HoSE nhắc lại về các mốc thời gian mà cổ phiếu DAG rơi vào diện kiểm soát, cảnh báo trong năm 2023 và 2024.

Cụ thể, vào ngày 14/9/2023, HoSE ra quyết định cảnh báo đối với DAG do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Tới ngày 2/11/2023, DAG vào diện kiểm soát do vi phạm quy định về công bố thông tin, sau khi đã được đưa vào diện cảnh báo.

Sang năm 2024, DAG nhận thêm 2 quyết định vào diện cảnh báo do có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán và có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là số âm.

Cùng với đó, DAG nhận thêm 1 quyết định vào diện kiểm soát vào ngày 4/10/2024 do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Thậm chí, HoSE cho biết đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ công bố này.

DAG nhận quyết định đình chỉ giao dịch vào ngày 8/8/2024 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

“Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của công ty chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông”, văn bản của HoSE nêu rõ.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật và căn cứ vào ý kiến của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE cho biết sẽ xem xét huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á.

Trước khi bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu DAG đã rơi về giá trị của một cốc trà đá, đóng cửa phiên 15/8 ở mức giá 1.430 đồng/cổ phiếu. Sự trượt dốc của DAG bắt đầu từ giai đoạn tháng 4/2022, khi cổ phiếu này mất mốc 10.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá) và liên tục thiết lập những mức đáy mới.

Dù duy trì khá lâu trong trạng thái bị cảnh báo, vào diện kiểm soát, DAG vẫn đạt được mức thanh khoản trung bình trên 200.000 đơn vị mỗi phiên trong 3 tháng trước khi bị đình trì giao dịch.

Thua lỗ hàng trăm tỷ đồng

Song song với các diễn biến xấu của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tình hình kinh doanh của Nhựa Đông Á đã có dấu hiệu sa sút khi liên tục trong giai đoạn 2020-2022, doanh nghiệp dù ghi nhận doanh thu giao động từ hơn 1.700 tỷ đồng đến hơn 2.200 tỷ đồng, lại chỉ thu về lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn vài tỷ đồng.

Tệ hơn, đến năm 2023, Nhựa Đông Á bất ngờ báo lỗ sau thuế tới hơn 600 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc kinh doanh dưới giá vốn, cùng thêm gánh nặng chi phí. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận âm 15 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2023 cho thấy một số khoản vay ngân hàng tính đến cuối năm 2023 đã quá hạn thanh toán và chưa được gia hạn bổ sung với số tiền khoảng hơn 347 tỷ đồng, cùng với một số khoản vay đã quá hạn thanh toán đã được gia hạn khoảng hơn 96 tỷ đồng. Tại thời điểm công bố báo cáo kiểm toán 2023, Nhựa Đông Á đã bị nhiều ngân hàng khởi kiện liên quan đến việc thanh toán gốc và lãi các khoản vay và nợ thuê tài chính.

Bước sang năm 2024, tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa khởi sắc khi tiếp tục thua lỗ hơn 66 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đáng nói, doanh thu cũng xuất hiện dấu hiệu lao dốc khi chỉ còn ghi nhận vỏn vẹn 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt tới hơn 959 tỷ đồng.

Tính đến giữa năm 2024, Nhựa Đông Á vẫn đang phải gánh hơn nghìn tỷ đồng nợ vay, bao gồm hơn 733 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 412 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Trong khi đó, quỹ tiền mặt của doanh nghiệp chỉ còn hơn 843 triệu đồng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 361 triệu đồng.

Theo giải trình của ban lãnh đạo, sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh chủ yếu do tình hình kinh tế của năm 2024 gặp khó khăn, thị trường sản phẩm nhựa của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp, phải cạnh tranh với hàng hoá đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, việc bị cưỡng chế hoá đơn do nợ thuế quá hạn cũng dẫn đến tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn.

Nhựa Đông Á cho biết đang trong giai đoạn tái cấu trúc để tìm hướng đi mới, phát triển hơn trong tương lai, cắt giảm tối đa các chi phí để đảm bảo tinh giản, hiệu quả và phù hợp với mục tiêu, mô hình mà doanh nghiệp hướng tới.

Nhựa Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Nhựa Đông Á, được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu là 2,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp niêm yết tại HoSE vào năm 2010 sau khi tăng vốn lên mức 100 tỷ đồng, tương đương 10 triệu cổ phiếu. Sau niêm yết, Nhựa Đông Á tiếp tục gia tăng quy mô hoạt động, tăng vốn điều lệ lên gần 600 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp nhựa với tuổi đời hơn 20 năm trên thương trường, cùng 14 năm niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể sắp phải rời sàn.

Nhựa Đông Á dừng kế hoạch chào bán 29,7 triệu cổ phiếu

Nhựa Đông Á dừng kế hoạch chào bán 29,7 triệu cổ phiếu

Tài chính
(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (HoSE: DAG) thông qua việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ.
Cùng chuyên mục
Tin khác