Tài chính quốc tế

Thương hiệu ngoại đang dần bị ‘thất sủng’ tại Trung Quốc

(VNF) - Trong danh sách 50 thương hiệu phổ biến nhất tại Trung Quốc được công bố bởi công ty tư vấn Prophet, các thương hiệu đa quốc gia từng một thời “hô phong hoán vũ” tại Trung Quốc đã mất dần thị phần tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Thương hiệu ngoại đang dần bị ‘thất sủng’ tại Trung Quốc

Apple đã không còn nằm trong danh sách 10 thương hiệu phổ biến nhất tại Trung Quốc.

Thay vào đó, các thương hiệu Trung Quốc đang ngày một hấp dẫn người tiêu dùng nội địa.

Để thực hiện kết quả này, Prophet đã khảo sát khoảng 13 nghìn người tiêu dùng Trung Quốc, yêu cầu họ xếp hạng thương hiệu dựa trên các yếu tố: sự đổi mới, ảnh hưởng, tính tin cậy và sự hữu dụng.

“Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, sự huyền bí của các thương hiệu nước ngoài đang dần phai nhạt”, Benoit Garbe, một đối tác cao cấp của Prophet ở Thượng Hải cho biết.

"Người tiêu dùng đang ngày càng tỉnh táo hơn. Chúng tôi đang nhìn thấy các thương hiệu địa phương, những thương hiệu tốt, được người tiêu dùng nội địa lựa chọn”, ông nói thêm.

IKEA, Apple, Nike, Estee Lauder, BMW, Marriott là 6 thương hiệu ngoại bị loại khỏi danh sách 10 thương hiệu phổ biến nhất với người tiêu dùng Trung Quốc trong năm 2018.

Trong bảng xếp hạng 10 thương hiệu phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc, các thương hiệu Trung Quốc chiếm đến 7 vị trí, điều này cho thấy một sự đảo ngược hoàn toàn so với khảo sát do chính công ty này thực hiện vào năm 2017, theo báo cáo của Prophet được báo Nikkei trích đăng.

Nhiều thương hiệu lớn của phương Tây đã không còn xuất hiện ở những vị trí nổi bật trong danh sách năm nay. Nike Inc. từ vị trí thứ 6 đã tụt xuống vị trí 44, trong khi nhà sản xuất xe hơi hạng sang BMW AG giảm xuống vị trí thứ 46. Estee Lauder Cos. tụt xuống vị trí thứ 22, mặc dù vẫn là nhãn hiệu hàng đầu về mỹ phẩm.

Nhà bán lẻ đồ nội thất Ikea của Thụy Điển, đứng thứ 4 trong danh sách năm ngoái, đã không nằm trong top 30  mà tụt xuống vị trí thứ 37.

Báo cáo của Prophet nhấn mạnh: “Những doanh nghiệp từng chỉ được coi như kẻ theo chân những thương hiệu toàn cầu giờ đây đang định hình lại chính họ, họ trở thành thương hiệu được người Trung Quốc yêu thích. Nhờ vào việc cải tiến không ngừng, họ đang vượt qua cả những đối thủ cạnh tranh nước ngoài, giành được trái tim của người Trung Quốc cũng như thu hút sự chú ý của thế giới”.

Dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động Alipay vẫn là thương hiệu được người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng nhiều nhất.

Alipay, dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba, đã giữ được vị trí đầu tiên từ năm ngoái. Những thương hiệu còn lại trong bảng danh sách các thương hiệu được yêu thích nhất bao gồm Taobao và Tamall. Trong năm 2017, nhóm thương hiệu được ưa chuộng nhất bao gồm thương hiệu tiêu dùng phổ biến như BMW hay Nike.

Android, hệ điều hành điện thoại do công ty Alphabet cung cấp, đứng vị trí thứ 2, vượt qua WeChat ở vị trí thứ 3. WeChat là hệ thống nhắn tin của tập đoàn Tencent. Dịch vụ nhắn tin QQ của Tencent đứng vị trí thứ 9.

Nhiều thương hiệu Trung Quốc khác cũng nằm trong nhóm này bao gồm hãng sản xuất điện thoại Huawei (vị trí thứ 4) hay Meituan (vị trí thứ 8). Meituan là hệ thống vận chuyển đồ ăn, công ty dự kiến sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông trong tuần tới.

Nhiều thương hiệu lớn của phương Tây đã không còn xuất hiện ở những vị trí nổi bật trong danh sách năm nay.

Trưởng bộ phận đầu tư vào thị trường mới nổi tại quỹ Alliance Bernstein, bà Laurent Saltiel, nhận xét: “Giờ đây nhiều công ty Trung Quốc đang sản xuất hàng hóa chất lượng cao và cung cấp dịch vụ tốt hơn. Chúng tôi tin rằng giá trị của thương hiệu Trung Quốc đang chưa được đánh giá đúng”.

Bảng xếp hạng lần này có sự góp mặt của Microsoft ở vị trí thứ 5 và Intel ở vị trí thứ 7. Những thương hiệu bị đưa ra khỏi bảng xếp hạng bao gồm Ikea, Apple, Estee Lauder và Marriott.

10 doanh nghiệp/thương hiệu được Prophet Trung Quốc đưa vào nhóm được yêu thích nhất bao gồm: Alipay, Android, WeChat, Huawei, Microsoft, Taobao, Intel, Meituan, QQ và Tmall.

 “Các thương hiệu nội địa Trung Quốc đã tận dụng tốt hơn các phương tiện truyền thông xã hội để tiếp cận với người mua sắm trong nước,” Catherine Lim, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết. "Điều đó đã giúp các sản phẩm nội địa có tiếng vang mạnh mẽ hơn”, bà nói.

Xem thêm >> TechInAsia xếp Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh vào nhóm 8 founder công nghệ hàng đầu Đông Nam Á

Tin mới lên