Trung Quốc lại có động thái ‘phản đòn’ Mỹ giữa tâm bão chiến tranh thương mại
Thanh Tú -
12/09/2018 07:43 (GMT+7)
(VNF) - Trung Quốc ngày 11/9 đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép áp đặt mức trừng phạt thương mại thường niên đối với lượng hàng hóa của Mỹ trị giá 7 tỷ USD do Washington không tuân theo một phán quyết của WTO.
Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO sẽ nhóm họp để xem xét yêu cầu của Trung Quốc vào ngày 21/09.
Theo Trung Quốc, nước này đã thiệt hại khoảng 7 tỷ USD hàng năm do các mức thuế chống bán phá giá của Mỹ. Do đó, Trung Quốc yêu cầu nâng các hàng rào thương mại đối với hàng hóa của Mỹ lên bằng mức nước này thiệt hại hàng năm theo đúng các quy định của WTO.
Kiến nghị của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng pháp lý kéo dài nhiều năm.
Năm 2013, Bắc Kinh khơi mào tranh chấp với Washington vì không hài lòng với các các loại thuế bán phá giá được Mỹ áp đặt lên nhiều loại hàng hóa như máy móc, thiết bị điện tử, kim loại, khoáng sản và các sản phẩm trong ngành công nghiệp ánh sáng, với giá trị xuất khẩu hàng năm lên đến 8,4 tỷ USD.
Trung Quốc đệ trình vụ tranh chấp lên WTO và thắng kiện vào năm 2016. Phán quyết này đã được giữ nguyên tại phiên phúc thẩm năm 2017. Thời hạn chót để Mỹ tuân thủ phán quyết này là ngày 22/08/2018.
Ông Trump gọi thỏa thuận thành lập WTO "là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng có".
Thường xuyên than phiền về việc WTO thường đưa ra quyết định bất lợi cho Mỹ, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến hệ thống chống bán phá giá của nước này, hồi cuối tháng 8 mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ rút Mỹ ra khỏi WTO nếu định chế này không đối xử với Mỹ tốt hơn.
Trong khi đó, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một nhân vật "diều hâu" về thương mại trong chính quyền ông Trump, từng nói việc đưa Trung Quốc vào WTO vào năm 2001 là một sai lầm. Ông Lighthizer từ lâu kêu gọi Mỹ có một lập trường cứng rắn hơn với WTO, cho rằng tổ chức này thiếu năng lực trong việc xử lý những nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc.
Ông Lighthizer từng cáo buộc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vi phạm chủ quyền của Mỹ, đặc biệt trong các vụ kiện chống bán phá giá. Mỹ đã chặn việc bổ nhiệm trọng tài vào bộ phận về kháng cáo của WTO, đặt ra khả năng bộ phận này sẽ không thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ trong những năm tới.
Nếu Mỹ rút khỏi WTO, điều đó sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến nền kinh tế toàn cầu so với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay. Một động thái như vậy sẽ làm suy yếu hệ thống thương mại thế giới hậu Chiến tranh Thế giới lần thứ hai - hệ thống mà Mỹ đã giữ vai trò lớn trong việc xây dựng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone