Ngân hàng

Thưởng Tết triệu người mơ và nỗi khổ của dân ngân hàng

(VNF) - Mức thưởng Tết của ngành ngân hàng khiến nhiều người luôn mơ ước. Song để nhận được lương thưởng cao thì công sức mà nhân viên ngân hàng bỏ ra và áp lực mà họ phải chịu là vô cùng lớn.

Thưởng Tết triệu người mơ và nỗi khổ của dân ngân hàng

Thưởng Tết hàng trăm triệu đồng

Cuối năm, chuyện lương thưởng ở các ngành nghề lại "nóng". Và câu chuyện tiền thưởng Tết của ngành ngân hàng luôn nhận được nhiều sự quan tâm chú ý. Bởi mức thưởng Tết của ngành ngân hàng khiến nhiều người ngoài ngành phải ao ước. Và năm nào mức thưởng Tết của ngành ngân hàng cũng có những kỷ lục mới.

Năm nay, quán quân về thưởng Tết đang thuộc về một ngân hàng thuộc nhóm Big4 khi thưởng Tết và thu nhập từ hiệu quả kinh doanh có bộ phận được lĩnh tới 15 tháng lương.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2022, về tổng mức chi cho nhân viên và số lượng nhân viên toàn hệ thống, mức chi lương và phụ cấp bình quân của nhân viên nhà băng này là 38 triệu đồng/người/tháng. Mỗi nhân viên ngân hàng này đạt chỉ tiêu kinh doanh xuất sắc sẽ nhận về mức thưởng Tết và kết quả kinh doanh hàng trăm triệu đồng.

Ngân hàng Techcombank cũng đã “chốt” mức thưởng Tết cho cán bộ nhân viên là 1 tháng lương thu nhập. Báo cáo tài chính bán niên của Techcombank hé lộ mức thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng này là 43 triệu đồng/tháng, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại hiện nay. Nếu mức thu nhập này được giữ nguyên, mỗi nhân viên Techcombank sẽ được nhận 43 triệu đồng thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão. Năm 2022, mỗi nhân viên Techcombank mang về cho ngân hàng khoảng 140 triệu đồng lợi nhuận/tháng.

Tuy vậy, cũng có những ngân hàng nhiều năm nay không chi thưởng Tết cho cán bộ nhân viên do chưa hết lỗ luỹ kế.

Năm nay, kết quả kinh doanh của đa số ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt. Một số ngân hàng hé lộ mức lãi kỷ lục, vượt xa kế hoạch năm 2022.

Ngân hàng BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ năm 2022 đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Vietcombank cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ năm 2022 đạt khoảng 36.774 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm.

Ngân hàng VietinBank cho hay lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ năm qua đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 22%. TPBank cũng công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2022, ước tính lợi nhuận đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021.

Theo ước tính của SSI, năm 2022, lợi nhuận ACB đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng 41,9% so với cùng kỳ.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng nằm trong top lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, dù ghi nhận mức lợi nhuận cao song hiện nay ngân hàng đang tiết giảm chi phí, chia sẻ một phần thu nhập lãi của mình để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì thế, thưởng Tết năm nay sẽ khó cao hơn năm ngoái.

Đại diện của một số ngân hàng tiết lộ, quá trình tính toán mức thưởng Tết dựa vào những đánh giá kết quả kinh doanh của từng chi nhánh và xếp loại của từng cá nhân. Do đó, mức thưởng của mỗi nhân viên trong từng ngân hàng sẽ khác nhau. Theo dự báo, mức thưởng Tết ngành ngân hàng năm nay không hấp dẫn bằng năm ngoái.

Mức hưởng Tết năm trước của ngành ngân hàng khá cao. Có ngân hàng còn chi thưởng Tết cho nhân viên từ 10-20 tháng tiền lương. Nhưng năm nay, mức thưởng này sẽ không có.

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - đánh giá, năm nay, thưởng Tết trong ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh. Một số ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt sẽ thưởng từ 3-5 tháng lương. Các ngân hàng làm ăn theo cách truyền thống, lợi nhuận không cao thì khả năng mức thưởng Tết vẫn như mọi năm, thường thưởng từ 1 - 2 tháng lương. Dù thấp hơn các năm nhưng mức thưởng của ngành ngân hàng vẫn rất hấp dẫn.

Nỗi khổ của dân ngân hàng

Nhiều người thường nói dân ngân hàng "sống nhờ lương, giàu nhờ thưởng", khi mức lương trung bình hàng tháng của nhân viên ngân hàng lên tới 30 triệu đồng, nhận thưởng Tết đến 6 tháng lương. Nhưng chỉ những làm trong ngành ngân hàng mới hiểu để nhận được lương, thưởng cao thì công sức mà họ bỏ ra và áp lực mà họ phải chịu là vô cùng lớn. Không ít người phải hi sinh thời gian dành cho gia đình bằng việc đi làm đúng giờ và về nhà khi đã quá giờ ăn tối.

Kim Ngân (27 tuổi, Hà Nội) làm giao dịch viên ngân hàng đã được 4 năm. Kim Ngân chia sẻ, những áp lực mà dân ngân hàng trải qua không phải ai cũng có thể chịu được. Hàng ngày, cô phải xử lý cả "núi" công việc, quay cuồng với giấy tờ, sổ sách. Giờ làm việc của ngân hàng chỉ đến 5h chiều nhưng hầu như hôm nào 8 tối cô mới ra khỏi văn phòng. Thậm chí, ngày nghỉ còn phải tranh thủ sắp xếp chứng từ.

Còn Mạnh Hưng (nhân viên hỗ trợ tín dụng tại một ngân hàng có trụ sở ở TP.HCM) cho hay, nỗi sợ lớn nhất của anh cũng như nhiều người khi làm ngân hàng là doanh số. Để đạt được doanh số, anh phải ra ngoài liên tục để tìm kiếm khách hàng. Có những lúc tiền lương không đủ tiền tiếp khách. Có những tháng không đủ doanh số thì chỉ nhận được lương 10 triệu đồng.

Càng về cuối năm, nhu cầu tín dụng của khách hàng càng tăng cao. Vì vậy, doanh số áp xuống nhân viên ngân hàng cũng tăng lên. Do đó, về cuối năm, nhiều nhân viên ngân hàng luôn trong tình trạng "đầu tắt mặt tối".

Bỏ công bỏ sức cả năm để nhận được mức lương, thưởng nhiều người mơ ước, nhưng nhiều nhân viên ngân hàng thậm chí còn không có thời gian sắm Tết. "Bận việc đến không có thời gian tiêu Tết" là lời than thở của rất nhiều người làm ngân hàng.

Chịu áp lực lớn nhưng đổi lại, nhân viên ngân hàng có mức lương, thưởng và nhiều chế độ đãi ngộ được đánh giá thuộc top tốt nhất trong các ngành nghề.

Việc thưởng Tết của các ngân hàng phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của từng chi nhánh cũng như mức độ hoàn thành KPI, thâm niên công tác của mỗi cá nhân.

Thưởng Tết của dân ngân hàng có sự phân hóa rất rõ rệt, đặc biệt giữa những người vượt doanh số và cấp quản lý. Do đó, có những người làm ngân hàng được thưởng 6 tháng lương nhưng có người lại chỉ 1-2 tháng, thậm chí chỉ vài triệu đồng.

Tin mới lên