'Thời gian đang cạn kiệt': Volkswagen cảnh báo sống còn trong 'tích tắc'
(VNF) - Theo giám đốc tài chính của Volkswagen, hãng sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đang không còn nhiều thời gian để xoay chuyển tình thế khi công ty Đức này phải đối mặt với việc đóng cửa nhà máy lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm.
Thời gian đang cạn kiệt
Phát biểu trước 25.000 công nhân tại trụ sở chính của Volkswagen ở Wolfsburg (Đức) ngày 4/9, Giám đốc tài chính Arno Antlitz cho hay các công nhân cần phải hợp tác với ban lãnh đạo công ty để cắt giảm chi tiêu nhằm giúp thương hiệu này tồn tại trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Ông nhấn mạnh thêm rằng thị trường ô tô châu Âu đã suy giảm sau đại dịch và công ty đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhu cầu khoảng 500.000 xe, tương đương với sản lượng của khoảng hai nhà máy.
Nhà lãnh đạo hãng sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu cho hay nhu cầu đang giảm sút nghiêm trọng và ông dự đoán rằng thương hiệu cốt lõi VW của hãng cần tới "một, có thể là hai" năm để cắt giảm chi tiêu và điều chỉnh sản lượng.
Cũng phát biểu tại cuộc họp, CEO Volkswagen, ông Oliver Blume nói thêm rằng: "Sẽ không còn bất kỳ tấm séc nào đến từ Trung Quốc nữa", ám chỉ đến lợi nhuận đang sụt giảm tại thị trường lớn nhất của Volkswagen.
Lời cảnh báo nghiêm trọng này phản ánh những thách thức ngày càng gia tăng đối với các hãng ô tô lớn của châu Âu, bao gồm Stellantis và Renault, trong bối cảnh chi phí lao động và năng lượng cao cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ châu Á đang vận chuyển nhiều ô tô có chi phí thấp hơn đến khu vực này.
Chủ tịch Công đoàn Volkswagen Daniela Cavallo cho biết ban quản lý của Volkswagen đã "làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin" của người lao động.
IG Metall, tổ chức công đoàn lớn và quan trọng tại Đức, không loại trừ khả năng sẽ diễn ra các cuộc đình công và khẳng định họ không thấy có lý do gì để giảm yêu cầu về tiền lương trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Bà Cavallo cho biết: "Ban lãnh đạo đã phá vỡ điều cấm kỵ một cách nghiêm trọng và công nhân đã sẵn sàng có mặt khi chúng tôi kêu gọi họ", đồng thời bà cam kết sẽ ngăn chặn việc đóng cửa nhà máy.
Bà Cavallo cũng lên tiếng thúc giục CEO Blume giải thích lý do tại sao tập đoàn lại ưu tiên chi tiêu cho quan hệ đối tác phần mềm trị giá 5 tỷ euro với công ty khởi nghiệp Rivian của Mỹ thay vì bảo vệ việc làm cho người Đức.
Viễn cảnh đóng cửa nhà máy tại một trong những công ty danh tiếng nhất nước Đức đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn đang phải vật lộn với nhu cầu xuất khẩu yếu và chi phí cao.
Sau thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử khu vực, Bộ trưởng Tài chính Đức đã trao đổi với ban lãnh đạo và hội đồng công nhân của Volkswagen và "nói rõ về tầm quan trọng" của công ty, một phát ngôn viên cho biết.
Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil đã hứa sẽ hỗ trợ và nhấn mạnh rằng: "Đức phải là một quốc gia sản xuất xe hơi mạnh". Ông không đưa ra chi tiết nhưng nội các của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đồng ý cắt giảm thuế để thúc đẩy nhu cầu về xe điện, vốn đã chậm hơn kỳ vọng. Đảng Dân chủ Xã hội của ông cũng có thể vận động chính phủ hỗ trợ về giá năng lượng.
Vào cuối năm ngoái, liên minh ba bên đã kết thúc sớm chương trình trợ cấp nhằm thúc đẩy nhu cầu về xe điện. IG Metall ngày 4/9 cũng đã kêu gọi Berlin đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn.
Viện kinh tế Ifo cho biết, tâm lý kinh doanh trong ngành công nghiệp ô tô Đức tiếp tục giảm sâu hơn nữa vào tháng 8, cho thấy bối cảnh khó khăn hiện nay.
Hãng Volvo Cars của Thụy Điển cũng đã hủy bỏ mục tiêu chuyển sang sử dụng hoàn toàn xe điện vào năm 2030.
Thế khó với Volkswagen
Volkswagen, công ty sở hữu các thương hiệu Audi, SEAT và Skoda, đầu tuần qua cho biết họ đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy ở Đức và chấm dứt việc đảm bảo việc làm tại 6 nhà máy của mình trong nỗ lực thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí trị giá 10 tỷ euro (11 tỷ USD).
Công ty đang nhắm tới mức lợi nhuận 6,5% cho thương hiệu VW vào năm 2026, tăng từ mức 2,3% trong nửa đầu năm nay. Thương hiệu này chiếm phần lớn sản lượng xe của tập đoàn vào năm ngoái.
"Mọi người sợ mất nhà và bị sa thải. Tôi đã làm việc tại nhà máy này được 38 năm", một công nhân có tên Axel Wenzlaff nói với Reuters bên ngoài nhà máy Wolfsburg.
Một số nhà đầu tư và nhà phân tích suy đoán rằng "bóng ma" đóng cửa nhà máy có thể là một chiến thuật đàm phán để loại bỏ các đảm bảo việc làm và giảm nhu cầu về tiền lương. Khoảng 120.000 trong số 200.000 lực lượng lao động của thương hiệu VW đang ở Đức.
"Ông ấy (CEO Volkswagen Oliver Blume) chắc chắn sẽ không thể xóa bỏ các chế độ đảm bảo việc làm, hủy bỏ việc tăng lương và đóng cửa nhà máy. Nhưng chúng tôi không thể loại trừ khả năng ông ấy sẽ đạt được một hoặc hai mục tiêu đó", ông Moritz Kronenberger, giám đốc danh mục đầu tư tại Union Investment, cổ đông của Volkswagen, cho biết.
Tuy nhiên, đại diện công đoàn Thomas Knabel cho biết, sẽ không có cuộc đàm phán nào trừ khi Volkswagen ngừng đóng cửa nhà máy.
Trong khi ban lãnh đạo đổ lỗi cho áp lực tài chính do nền kinh tế Đức ngày càng suy yếu và các đối thủ cạnh tranh mới, các công đoàn cho biết chiến lược sản xuất của hãng sản xuất ô tô này không hiệu quả và những người ra quyết định đã quá chậm trễ trong việc đầu tư để sản xuất một loại xe điện dành cho thị trường đại chúng.
Dù nguyên nhân là gì, các nhà phân tích đều cho rằng cần phải đưa ra quyết định nhanh chóng. Đây được xem là một thách thức đối với một công ty có quy mô như Volkswagen với cơ cấu quyền lực phức tạp được hình thành trong suốt 87 năm lịch sử.
Công ty vẫn còn bị ám ảnh bởi những vấn đề trong quá khứ. Tuần này, cựu CEO Martin Winterkorn đã ra hầu tòa vì cái gọi là vụ bê bối dieselgate, 9 năm sau khi Volkswagen thừa nhận gian lận các bài kiểm tra khí thải tại Mỹ.
Đức trong khủng hoảng: Intel và Volkswagen cân nhắc rút hàng chục tỷ USD
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.