Đức trong khủng hoảng: Intel và Volkswagen cân nhắc rút hàng chục tỷ USD
(VNF) - Nền kinh tế Đức đã chứng kiến một số công ty lớn nhất đất nước tháo chạy từ khi ngành sản xuất của nước này bước vào suy thoái hơn hai năm trước. Và giờ đây, Volkswagen và Intel đang chuẩn bị gây thêm đau đớn cho ngân khố của nước này.
Volkswagen, viên ngọc quý trên "vương miện công nghiệp" của Đức, đang "nếm cay đắng" tại quê nhà, nơi mà họ cho là làm trầm trọng thêm cuộc đấu tranh để tăng biên lợi nhuận.
Lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình, Volkswagen đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy tại Đức, nơi có khoảng 300.000 nhân viên, khi công ty này đẩy mạnh nỗ lực tiết kiệm 10 tỷ euro (11 tỷ USD) chi phí.
Trong tuyên bố đầu tuần qua, Giám đốc điều hành Volkswagen, ông Oliver Blume, đã lên án sự suy giảm sức ảnh hưởng công nghiệp của Đức và tác động của nó đến hãng sản xuất ô tô của ông, vốn đang phải vật lộn với tình trạng chậm tiêu thụ xe điện, nhu cầu tiêu dùng giảm và mối đe dọa đáng ngại từ xe điện giá rẻ của Trung Quốc.
“Môi trường kinh tế đã trở nên khó khăn hơn và những người chơi mới đang xâm nhập vào châu Âu. Đặc biệt, Đức nói riêng là một địa điểm sản xuất đang tụt hậu hơn nữa về sức cạnh tranh. Trong môi trường này, với tư cách là một công ty, chúng tôi phải hành động quyết đoán”, ông Blume cho biết trong một tuyên bố vào ngày 2/9.
Thật vậy, triển vọng sản xuất của Đức rất ảm đạm, khiến thủ tướng nước này, ông Olaf Scholz, rơi vào tình thế khó khăn.
Ngành sản xuất của Đức đã suy thoái kể từ đầu năm 2022 khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga sau khi Nga đưa quân tới Ukraine, nhu cầu tại thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc giảm và lòng tin của người tiêu dùng vào chính quốc gia này ngày càng giảm.
Vào tháng 8, PMI sản xuất của Đức, vốn không tăng trưởng trong hơn hai năm, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 42,4, trái ngược với sự gia tăng sản lượng sản xuất toàn cầu. Bất kỳ con số nào thấp hơn 50 được đánh dấu là sự suy giảm.
Tiến sĩ Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Hamburg Commercial Bank, cho biết: "Suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Đức đang kéo dài hơn bất kỳ dự đoán nào. Tháng 8 chứng kiến sự sụt giảm thậm chí còn lớn hơn trong các đơn đặt hàng đến, dập tắt mọi hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng”.
“Thông thường, trong 30 năm qua, ngành công nghiệp đã phục hồi trong vòng tối đa 20 tháng sau khi suy thoái bắt đầu. Nhưng lần này, mọi thứ đã khác, và Trung Quốc dường như là thủ phạm chính. Quốc gia này đang đẩy mạnh hoạt động, cạnh tranh trực tiếp với các công ty công nghiệp Đức, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Đức và các thị trường quan trọng khác, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô và kỹ thuật cơ khí”, ông de la Rubia nói thêm.
Các công ty Đức đã chú ý đến những cảnh báo từ nước này trong một thời gian, nhận thấy rằng tình trạng suy thoái hiện tại của nước này có thể báo hiệu sự khởi đầu của một xu hướng dài hạn.
Năm ngoái, các công ty Đức đã rót 15,7 tỷ USD vào các dự án vốn tại Mỹ, chuyển hướng khỏi cả Trung Quốc và quê hương của họ. Năm 2022, con số này chỉ là 5,9 tỷ USD. Các công ty quốc tế khác đã đầu tư hàng tỷ USD vào Đức cũng bắt đầu suy nghĩ lại.
Intel, một công ty khác cũng đang gặp khó khăn, đang cân nhắc các lựa chọn của mình tại quốc gia này.
Reuters đưa tin Intel sẽ cân nhắc tạm dừng hoặc dừng hẳn kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 30 tỷ euro (33 tỷ USD) tại thành phố Magdeburg, miền đông nước Đức khi nhà sản xuất chất bán dẫn này tìm cách tiết kiệm chi phí. Đức đã cam kết đầu tư 9,9 tỷ euro (10,9 tỷ USD) cho dự án này khi nó được công bố vào tháng 6 năm ngoái.
Tin tức về việc nhiều công ty lớn đang xem xét lại hoạt động của họ tại Đức là một vấn đề đau đầu mà Thủ tướng Scholz không thể không bận tâm.
Cuối tuần qua, đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) đã trở thành đảng cực hữu đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở nước này kể từ năm 1949, nhấn mạnh cuộc chiến mà ông Scholz phải đối mặt để thuyết phục không chỉ các công ty Đức mà còn cả người dân về định hướng của chính phủ.
Chủ tịch nhóm Renew cấp tiến trong Nghị viện châu Âu, Valérie Hayer, gọi chiến thắng này là "chưa từng có" và là "ngày đen tối" đối với Đức và châu Âu.
Hiện, mọi sự chú ý đều đang tập trung vào cuộc bầu cử khu vực tiếp theo của Đức sẽ diễn ra tại bang Brandenburg vào ngày 22/9 tới.
Volkswagen tính đóng cửa nhà máy tại Đức lần đầu sau 87 năm, ngay sau 'sự đe dọa' từ BYD
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.