Volkswagen tính đóng cửa nhà máy tại Đức lần đầu sau 87 năm, ngay sau 'sự đe dọa' từ BYD
(VNF) - Volkswagen đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy tại Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình khi hãng sản xuất ô tô này đang phải vật lộn để cắt giảm chi phí và tồn tại trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Cuộc tái cấu trúc toàn diện
Trong thông báo đưa ra ngày 2/9, công ty được thành lập vào năm 1937 cho biết họ không thể loại trừ khả năng đóng cửa các nhà máy ở Đức vì đang tìm cách tiết kiệm hàng tỷ euro.
“Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang trong tình hình rất khó khăn và nghiêm trọng”, CEO Volkswagen Oliver Blume nêu trong tuyên bố đưa ra cùng ngày.
Ông Oliver nhấn mạnh thêm rằng: “Môi trường kinh tế trở nên khó khăn hơn nữa, và các đối thủ cạnh tranh mới đang thâm nhập vào thị trường châu Âu. Ngoài ra, Đức nói riêng là một địa điểm sản xuất đang tụt hậu hơn về sức cạnh tranh”.
Do đó, giám đốc điều hành của tập đoàn Volkswagen cho biết công ty “hiện phải hành động quyết đoán”.
Hội đồng công nhân cho biết nhà sản xuất ô tô này coi một nhà máy sản xuất xe lớn và một nhà máy sản xuất linh kiện tại Đức là lỗi thời, đồng thời tuyên bố sẽ "phản đối quyết liệt" các kế hoạch của ban điều hành.
Thương hiệu Volkswagen là thương hiệu đầu tiên của tập đoàn thực hiện chiến dịch cắt giảm chi phí với mục tiêu tiết kiệm 10 tỷ euro (11 tỷ USD) vào năm 2026 khi tập đoàn này cố gắng tinh giản chi tiêu.
Volkswagen cho biết các thương hiệu trong công ty sẽ cần phải trải qua một “cuộc tái cấu trúc toàn diện” và thừa nhận rằng tình hình hiện tại có nghĩa là khả năng đóng cửa các nhà máy sản xuất xe và linh kiện là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Ông lớn” sản xuất ô tô Đức cho biết họ cảm thấy buộc phải chấm dứt thỏa thuận bảo vệ việc làm, một chương trình được áp dụng từ năm 1994, để đảm bảo “những điều chỉnh cơ cấu cần thiết cấp bách nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong ngắn hạn”.
“Tình hình hiện tại cực kỳ căng thẳng và không thể giải quyết thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí đơn giản”, Tổng giám đốc điều hành thương hiệu VW Thomas Schäfer cho biết trong tuyên bố.
“Đây là lý do tại sao chúng tôi muốn bắt đầu thảo luận với đại diện nhân viên càng sớm càng tốt để vạch ra các khả năng tái cấu trúc thương hiệu một cách bền vững”, ông nói thêm.
Volkswagen cho biết mọi biện pháp cần thiết sẽ được thảo luận với Hội đồng Công nhân và công đoàn Đức IG Metall.
Cái kết đã được đoán trước?
Động thái của hãng xe Đức Volkswagen dường như đã được “tiên tri” từ trước sau khi hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD triển khai những động thái mạnh mẽ nhằm giành chỗ đứng tại châu Âu.
Theo đó, BYD đang tiếp quản nhà phân phối của mình tại Đức, cho phép công ty này bán xe trực tiếp tại thị trường ô tô lớn nhất châu Âu. “Gã khổng lồ” ô tô Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận với Hedin Mobility Group để mua lại công ty con Heden Electric Mobility.
Trong 2 năm qua, Heden Electric đã nhập khẩu xe và phụ tùng của BYD để bán tại Đức. Việc mua lại công ty này sẽ giúp BYD kiểm soát nhiều hơn về giá cả và các hạng mục quan trọng khác của quá trình phân phối. BYD hiện có thể bán xe trực tiếp cho người mua tại Đức và tự định giá theo các điều khoản của mình.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý IV/2024. Là một phần trong quan hệ đối tác dài hạn, Hedin vẫn sẽ đóng vai trò là đại lý và nhà bán lẻ của BYD tại thị trường Thụy Điển.
Động thái lớn của BYD là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của hãng này nhằm mở rộng thị trường tại châu Âu. BYD đặt mục tiêu kiểm soát 5% thị trường ô tô châu Âu vào năm 2026.
Một số chuyên gia cho rằng việc nắm quyền kiểm soát phân phối tại Đức là một chiến thắng lớn cho công ty. BYD hiện có thể đặt giá linh hoạt hơn về tính khả dụng.
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), lượng đăng ký xe điện tại Đức đã giảm 36,8% vào tháng trước. Sự sụt giảm này đã kéo thị phần xe điện của châu Âu xuống còn 12,1% từ mức 13,5% của năm trước.
Volkswagen nằm trong số những hãng có doanh số thấp hơn vào tháng 7 (-2,2%). Thương hiệu Volkswagen có lượng đăng ký xe ít hơn 6,1% với thị phần giảm xuống còn 10,8% vào tháng 7 từ mức 11,1% của năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng ngay cả với mức thuế cao hơn mà Liên minh châu Âu dự tính áp dụng, BYD vẫn có thể linh hoạt đưa ra mức giá thấp hơn và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Volkswagen.
Theo kết quả kinh doanh mới nhất, "gã khổng lồ" xe điện Trung Quốc BYD đã bán được số lượng xe chở khách kỷ lục vào tháng 8, trong đó doanh số bán xe hybrid tăng nhanh hơn doanh số bán xe chạy bằng pin.
Cụ thể, công ty cho biết doanh số bán hàng trong tháng 8 tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 370.854 xe.
Doanh số bán xe chạy bằng pin của hãng tăng gần 12%, trong khi doanh số bán xe chạy bằng động cơ hybrid tăng vọt 48%, chiếm gần 2/3 số xe BYD được bán ra trong tháng trước.
BYD cho biết hãng đã bán được 31.451 xe ra nước ngoài vào tháng trước, nâng tổng số xe bán ra trong năm lên 264.869 xe và cao hơn con số 242.765 xe mà hãng đã bán ra nước ngoài trong cả năm ngoái.
Theo tính toán của CNBC, nếu BYD duy trì tốc độ bán hàng trung bình hàng tháng ở nước ngoài cho đến hết tháng 12, công ty sẽ bán được gần 400.000 xe bên ngoài Trung Quốc trong năm nay.
Bước đi táo bạo của BYD tại Đức gây ‘rắc rối lớn’ cho Volkswagen
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.