Tín dụng nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh, đã đến lúc bỏ room?
(VNF) - Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh, đã sử dụng gần hết room tín dụng. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc bỏ room tín dụng. NHNN cho biết, đang xem xét lộ trình dỡ bỏ room tín dụng.
Tín dụng của nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 7,38% so với cuối năm 2023, cao hơn mức 5,73% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân dẫn đầu với mức tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần.
Một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi tốc độ trung bình của toàn hệ thống nhưng vẫn còn những ngân hàng tăng trưởng chậm hơn.
Còn theo báo cáo tài chính quý II của các nhà băng, tính đến 30/6, có 8 ngân hàng đã đạt tăng trưởng tín dụng trên 10% và đang kỳ vọng được nới room tín dụng, gồm: NCB (16%), LPBank (15,2%), HDBank (13%), Techcombank (12,9%), ACB (12,8%), MSB (11,4%), Nam A Bank (10,7%) và VietBank (10,2%).
Đến thời điểm hiện tại, tín dụng của các ngân hàng trên tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần được tổ chức mới đây, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank (LPB), cho biết, đến nay, nhà băng này đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 15,97%, với dư nợ tăng thêm gần 44.000 tỷ đồng, mức cao nhất toàn hệ thống tính đến hiện tại.
Chủ tịch HDBank (HDB) Kim Byoungho cũng thông tin: tín dụng của ngân hàng này đến nay đã tăng hơn 15%, với quy mô dư nợ vượt 390.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ giữ ở mức 1,74%. Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, ông Kim Byoungho đề nghị NHNN cân nhắc giao thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có năng lực tốt.
Ngân hàng TMCP Quân đội MB (MBB) từ đầu năm đến nay ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 11,14%, với dư nợ tín dụng đạt khoảng 685.000 tỷ đồng. Chủ tịch MB Lưu Trung Thái chia sẻ 47% dư nợ mới của ngân hàng này đã được phân bổ cho phân khúc bán lẻ và sản xuất kinh doanh, với mức tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước.
Tính đến hết tháng 8, Nam A Bank (NAB) báo cáo tăng trưởng tín dụng đạt 14%, sử dụng 85% hạn mức tín dụng được NHNN giao và đang kỳ vọng được nới thêm trong thời gian tới.
Trong khi đó, vẫn có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí tăng trưởng âm.
Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, tính tới cuối tháng 6, có tới 10 ngân hàng tăng trưởng tín dụng dưới 5% so với cuối năm, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp có thể kể đến ABBank (-7,2%), Saigonbank (1,8%), Bac A Bank (2,3%), SeABank (3,5%), BVBank (3,2%)…
Năm nay, NHNN phân bổ hết room tín dụng 15% cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, trước tình trạng một số ngân hàng sử dụng gần hết room tăng trưởng tín dụng, NHNN đã có văn bản thông báo, từ ngày 28/8, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý...
Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại từ đầu năm đến nay không chỉ phụ thuộc vào room tín dụng NHNN cấp mà còn phụ thuộc rất lớn vào sức cạnh tranh và sức khỏe của mỗi ngân hàng.
Theo đó, những ngân hàng có nền tảng tài chính lành mạnh, vốn dồi dào, kiểm soát được nợ xấu, hệ sinh thái và tệp khách hàng đa dạng, có lợi thế cho vay bất động sản… đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao.
Trái lại, các ngân hàng có chất lượng tài sản xấu, thanh khoản kém dồi dào, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường lớn, lãi suất cho vay kém cạnh tranh…, dù có được cấp hạn mức cao, cũng không thể tăng trưởng tín dụng.
Đã đến lúc bỏ room tín dụng?
Tại Hội nghị thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
NHNN tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng. Đồng thời, NHNN cũng đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Trước đó, trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội hồi giữa năm nay, NHNN lý giải nguyên nhân chưa thể bỏ room tín dụng là do lo ngại tình trạng tăng trưởng nóng quay lại, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống cũng như rủi ro lạm phát.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, NHNN hoàn toàn có thể ngăn chặn tín dụng tăng nóng thông qua công cụ dự trữ bắt buộc. Một khi NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng sẽ phải “phanh” tín dụng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR) mà không cần đến room tín dụng. Bởi ngân hàng muốn tăng tín dụng bao nhiêu thì phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng bấy nhiêu. Điều này sẽ khiến các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao không bị thiệt thòi, không bị bó buộc bởi room tín dụng, mà lại gây sức ép cho các ngân hàng nhỏ, có tỷ lệ an toàn vốn thấp phải nâng cao “đệm” thanh khoản của mình.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, các nước đang sử dụng công cụ hữu hiệu là kiểm soát tín dụng và chính sách tiền tệ bằng các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE)… và quan trọng nhất là tỷ lệ CAR.
Hơn nữa, NHNN đã đưa ra nhiều công cụ đảm bảo khả năng thanh khoản, ngăn rủi ro tín dụng, cũng như ngăn ngân hàng thương mại tăng trưởng quá nóng.
Chẳng hạn, NHNN đã có quy định ngân hàng thương mại chỉ được cho vay 80% nguồn vốn từ thị trường dân cư, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn còn 30%, siết tỷ lệ cho vay với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan... Các quy định về hệ số rủi ro cũng buộc các ngân hàng phải cân nhắc lĩnh vực cho vay hiệu quả, không rót quá nhiều vốn vào các lĩnh vực rủi ro.
Theo các chuyên gia tài chính, việc dỡ bỏ room tín dụng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại. Khi không còn bị hạn chế bởi các chỉ tiêu tín dụng cứng nhắc, các ngân hàng sẽ có cơ hội tự chủ hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh và chiến lược cho vay. Điều này cho phép họ linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn từ doanh nghiệp và cá nhân.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho rằng, mục đích sử dụng room tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng việc áp đặt room tín dụng như vậy có thể phát sinh tình trạng xin - cho. Vì vậy, ông Đồng đề nghị bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Nới room tín dụng lên 18%: Ngân hàng nào được 'nhận quà'?
- Ngân hàng dùng gần hết 'room' tín dụng được cấp thêm 28/08/2024 10:11
- Sẽ thu hồi room tín dụng nếu ngân hàng không sử dụng hết 06/08/2024 03:59
- Thanh tra việc cấp room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước 02/12/2023 09:26
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.