Nới room tín dụng lên 18%: Ngân hàng nào được 'nhận quà'?
(VNF) - Dự kiến có 4 ngân hàng đủ điều kiện nới room tín dụng lên mức hơn 18%. Việc NHNN nới room cho những tổ chức tín dụng tăng trưởng tốt được đánh giá là hành động kịp thời.
Những ngân hàng được nới room tín dụng lên mức hơn 18%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo, từ ngày 28/8, các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023.
Ước tính, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm khoảng 900.000 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng giai đoạn cuối quý II đến ngày 26/8, tín dụng đã tăng thêm gần 72.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, với mục tiêu của Chính phủ là 15%, trong 4 tháng còn lại của năm, cần phải đẩy thêm 8,37%, tương đương 1.135.723 tỷ đồng vào nền kinh tế.
Bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng tín dụng tiệm cận chỉ tiêu thì vẫn có những nhà băng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Vì thế, NHNN sẽ tiếp tục chủ động điều chỉnh, nhằm thực hiện yêu cầu của Chính phủ về điều hành tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tín dụng, kiểm soát lạm phát.
Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS Research) nhận định chính sách này sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng và thị phần.
Từ công thức tính room tín dụng, các chuyên gia VPBankS Research cho biết các ngân hàng đã hoàn thành mức 80% trở lên là HDBank, Techcombank, LPBank và ACB. Mức tăng room tín dụng sẽ dao động từ 2-2,5% tùy từng ngân hàng. Sau khi được tăng, room tín dụng mới của 4 ngân hàng này sẽ lên mức 18-18,7%.
VPBankS Research dự báo, nếu các ngân hàng đạt được 90% mục tiêu tín dụng được giao từ đầu năm, NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành, GDP có thể đạt 6% và tăng trưởng tín dụng toàn ngành có khả năng đạt 14,83%.
VPBankS Research cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 của NHNN có thể đạt được nhờ kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm, thêm việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược thế giới của Việt Nam. Cùng với đó, những thay đổi trong một số luật như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở mới cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ sự khởi sắc trong hoạt động thu hút FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhóm ngân hàng thương mại quy mô lớn đang dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống trong khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh vẫn đang chậm vì hoạt động trả trước tăng mạnh nhờ lãi suất thấp.
MBS dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% cho cả năm. Theo MBS, cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp.
Chính sách nới 'room' mới tác động ra sao tới các ngân hàng?
Theo nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng, việc NHNN nới room cho những tổ chức tín dụng tăng trưởng tốt là hành động kịp thời. Đây có thể là động lực để các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần.
Đánh giá về động thái trên, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cho rằng đây là quyết định rất kịp thời và sáng suốt của NHNN, đón đầu cho tăng trưởng vào cuối năm.
Ông Phát đánh giá rất cao hai yếu tố. Thứ nhất là việc NHNN tự động giao hạn mức tín dụng mà ngân hàng không cần đề nghị, xin phép. Thứ hai là yếu tố minh bạch khi nhà điều hành đã phân bổ room dựa trên xếp hạng của từng ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng NHNN đã kịp thời, linh hoạt và chủ động, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm.
Theo Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, với động thái này những tổ chức tín dụng có đà tăng trưởng tốt sẽ có điều kiện để mở rộng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Theo giới phân tích, xuất từ việc NHNN "nới room", chính sách lãi suất theo đó sẽ có xu hướng ưu đãi hơn, có lợi cho người vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, cổ phiếu nhóm ngân hàng theo đó cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Trước thông tin NHNN chủ động nới room, giá cổ phiếu phiên giao dịch ngày 29-30/8 của một số ngân hàng tăng mạnh giữa lúc nhiều cổ phiếu khác ngập tràn sắc đỏ.
Vừa qua, nhiều đề xuất xóa bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhưng tại báo cáo trả lời Quốc hội gần đây, lãnh đạo NHNN đã giải thích lý do vì sao NHNN chưa bỏ room tín dụng. Theo đó, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Từ đầu năm, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng tự chủ hơn, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cùng lúc, thay vì giao theo từng đợt và để các ngân hàng xin nới room như trước đây.
Nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế đang dần khởi sắc, nhu cầu vốn của doanh nghiệp khôi phục vào mùa kinh doanh cuối năm sẽ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới.
Thực tế, các ngân hàng đang nỗ lực và thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế khi liên tục tung ra nhiều chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tận tín dụng thuận lợi với chi phí hợp lý.
Ngân hàng dùng gần hết 'room' tín dụng được cấp thêm
- Tín dụng tăng trở lại: Bơm thêm 1,18 triệu tỷ để về đích cả năm 27/08/2024 02:30
- Tăng trưởng tín dụng: Số đông ngân hàng nhỏ chia nhau phần ít 30/08/2024 09:00
- Sẽ thu hồi room tín dụng nếu ngân hàng không sử dụng hết 06/08/2024 03:59
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.