Tín dụng tăng trở lại: Bơm thêm 1,18 triệu tỷ để về đích cả năm
(VNF) - Sau khi tăng chậm lại trong tháng 7, tín dụng có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 8. Nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt được nhưng cần có các chính sách hỗ trợ bền vững hơn.
Tăng trưởng tín dụng phục hồi
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dữ liệu cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 16/8 tăng 6,25% so với cuối năm 2023.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến hết quý II/2024 đạt 6,1%, nhưng đến cuối tháng 7 chỉ còn tăng 5,66% so với cuối năm 2023.
Như vậy, sau những ngày tăng tốc mạnh mẽ về cuối tháng 6/2024 để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra cho nửa đầu năm 2024, tín dụng đã tăng trưởng thụt lùi vào tháng 7 và mới chỉ phục hồi trở lại vào nửa đầu tháng 8.
Theo thống kê của NHNN tại cuối tháng 7, dòng tiền ra nền kinh tế sụt giảm; tín dụng bất động sản tăng 4,6% so với cuối năm 2023 (trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, nhưng tín dụng cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ, tăng 1,2%); tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%;...
Trên địa bàn TP.HCM, dư nợ tín dụng tháng 7 giảm nhẹ so với tháng trước đó. Đến cuối tháng 7, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3.680 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước đó và tăng 11,47% so với cùng kỳ.
Lũy kế từ tháng 1 đến tháng 7, tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng 3,9% trong khi tính đến hết tháng 6 đã đạt mức 4%.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, tín dụng tháng 7 giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm.
Một số chuyên gia nhìn nhận, sau đợt tăng tốc vào những ngày cuối tháng 6, tín dụng phải có quãng hấp thu dòng tiền phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng có nhịp chậm lại. Tín dụng nửa đầu tháng 8 đã tăng lên cho thấy nhu cầu hấp thu vốn của các thành phần trong nền kinh tế đã phục hồi.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng, tín dụng tháng 7 tăng chậm lại có yếu tố thời vụ. Trong đó, do yếu tố tâm lý về tháng Ngâu nên người dân thường ít giải ngân. Năm ngoái, tín dụng tháng 7 cũng đi lùi so với tháng 6. Điều này cũng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ông Lực tin rằng tín dụng đang phục hồi trở lại và sẽ tăng dần trong các tháng tới.
Tín dụng cần hướng tới sự bền vững
Giới phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được như kỳ vọng nhưng cần có các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng 14-15%/năm là thách thức lớn, do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao.
“Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang tiệm cận tới mức của các đất nước phát triển như Úc, Trung Quốc, Thái Lan và còn đang cao hơn rất nhiều so với các nước có nền kinh tế tương đồng như Indonesia hay Philippines”, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá.
Trong 6 tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng cần bơm thêm khoảng 1,18 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế mới có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm nay. Đây là một thách thức không nhỏ, nhất là từ bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và rủi ro từ các khoản vay dài hạn trong ngành bất động sản.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đặt ra, trong các tháng còn lại của năm 2024, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nửa cuối năm, nhưng vẫn kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng.
Lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN được cho là những yếu tố có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng.
Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp sẽ kích thích nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản cũng như nhà đầu tư/người mua nhà...
Cùng với đó, những chính sách với 3 luật liên quan bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8 đang được kỳ vọng tạo động lực với nguồn cung khả quan hơn trong thời gian tới. Đó chính là nền tảng dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 ước đạt 12-13%. Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; thị trường bất động sản hồi phục dần từ quý II/2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.
Tăng cung NƠXH: Giảm lãi vay, đẩy mạnh tín dụng ưu đãi
- Sẽ thu hồi room tín dụng nếu ngân hàng không sử dụng hết 06/08/2024 03:59
- Lãi suất cho vay giảm, tăng trưởng tín dụng phục hồi 05/08/2024 10:54
- Tín dụng tăng đột biến: Số thực hay 'làm đẹp'? 29/07/2024 09:00
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.