Lãi suất cho vay giảm, tăng trưởng tín dụng phục hồi
(VNF) - Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,96% so với cuối năm 2023. Trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi.
Chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ.
Báo cáo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm, cơ quan này đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng. Từ đó, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, lãi suất với các khoản vay và tiết kiệm tiếp tục giảm. Tới cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so với cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3, tăng dần qua các tháng, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái, đạt 6% tính đến hết quý II.
Tới cuối tháng 7, dư nợ tín dụng đạt gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so với cuối năm ngoái.
Từ đầu năm, Chính phủ nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn đối diện khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, lãi suất cho vay ở mức cao.
Nhiều chương trình tín dụng được triển khai như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản với tổng lũy kế 34.400 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính sách tiền tệ đã đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm. Song theo Thủ tướng, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn trước mắt và lâu dài.
Đó là do áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất vẫn có xu hướng đi lên, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ tăng, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới…
Thủ tướng nêu các kinh nghiệm trong điều hành như phải trên cơ sở dữ liệu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; điều hành không giật cục, phối hợp đồng bộ giữa các chính sách; đưa ra thông điệp, chính sách phải rõ ràng, dứt khoát, phù hợp thực tiễn và đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện...
Các giải pháp tập trung là kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Trong đó, với chính sách tiền tệ cần điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách khác.
Thủ tướng giao ngành ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 15% trong năm nay, tập trung cho vay các lĩnh vực là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Điều hành tỷ giá linh hoạt bằng các công cụ khác nhau. Tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng.
Với các tổ chức tín dụng không sử dụng hết chỉ tiêu được phân bổ, Thủ tướng yêu cầu bổ sung cho các nhà băng khác có khả năng tăng trưởng.
Tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
NHNN phải tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.
Theo Thủ tướng, số tiền trong dân gửi tại ngân hàng hiện khoảng trên 15 triệu tỷ đồng. NHNN phải có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh. Cơ quan này cũng phải điều hành tỷ giá linh hoạt, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ, xử lý nợ xấu.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, NHNN đề xuất tăng lên 140.000 tỷ đồng với thời hạn cho vay dài hơn, lãi suất giảm đi. Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý ngành ngân hàng phải nghiên cứu điều kiện tiếp cận phù hợp, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này vì đây là chính sách nhân văn, giúp người khó khăn có chỗ ở.
Ngân hàng Nhà nước đồng loạt điều chỉnh 2 loại lãi suất quan trọng
- Lãi suất tăng tiền chảy về nhà băng, ngân hàng nào hút nhiều tiền gửi nhất? 04/08/2024 09:00
- Ngân hàng bội thu: Lãi cao nhất gần tỷ USD, tăng mạnh nhất gần 300% 02/08/2024 09:00
- Lãi vay mua nhà tăng, thời kỳ tiền rẻ sắp hết? 02/08/2024 11:30
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.