Tính đủ nguồn tiền, ngân hàng đồng loạt chốt tăng vốn
(VNF) - Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới, thưởng cổ phiếu…, nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng sức cạnh tranh.
Ngân hàng cấp tập tăng vốn
HĐQT Ngân hàng SHB vừa quyết định ngày 19/7 là thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 5%. SHB sẽ chia cổ tức năm 2023 là 16% gồm 5% bằng tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) mới công bố nghị quyết của HĐQT về việc triển khai chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng thêm tối đa 5.825 tỷ đồng lên hơn 35.900 tỷ đồng.
Trong khi đó, SeABank dự kiến phát hành 329 triệu cổ phiểu để trả cổ tức năm 2023 và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tương đương tổng tỉ lệ gần 14%. Ngân hàng này cũng sẽ phát hành 45 triệu cổ phiếu ESOP năm 2024. Sau khi hoàn thành 2 đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng 3.843 tỷ đồng lên 28.800 tỷ đồng.
Ngân hàng Nam Á (NamABank) cũng dự kiến phát hành hơn 264 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 2.645 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ của NamABank sẽ tăng từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%, tăng lên 26.000 tỷ đồng.
NHNN cũng vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng thêm 4.110 tỷ đồng vốn điều lệ. Hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thông qua trước đó.
Eximbank cũng được tăng vốn điều lệ thêm 1.219 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Nếu phát hành thành công, Eximbank sẽ có vốn điều lệ là 18.688 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB vừa phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 15% (bên cạnh chi cổ tức 10% bằng tiền mặt). Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của ACB tăng lên 44.667 tỷ đồng, chính thức vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB.
Trong khi đó, TPBank có kế hoạch phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%. Với việc phát hành này, vốn điều lệ của TPBank tăng thêm hơn 4.400 tỷ đồng, lên tối đa 26.419 tỷ đồng.
MB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng trong năm 2024. Trước đó, MB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng lên 61.643 tỷ đồng.
Không chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, một số nhà băng còn mạnh tay thưởng cổ phiếu cho cổ đông, nhằm tăng mạnh vốn.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới công bố quyết định chấp thuận cho Techcombank tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Sau đợt tăng vốn lần này, Techcombank trở thành ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 hệ thống.
Mới đây, Vietcombank trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022. Nếu được tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2022, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ lên hơn 77.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số ngân hàng có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn.
Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu). BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần. Techcombank, SHB và LPBank đều có kế hoạch tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế, cổ đông chiến lược nước ngoài.
Tạo sức bật từ việc tăng vốn
Năm 2024 được xem là năm có nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhất.
Sau mùa ĐHCĐ thường niên, nhiều ngân hàng đã triển khai tăng vốn với con số lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều ngân hàng thực hiện trả cổ tức ở mức cao cho cổ đông.
Việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp các ngân hàng nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro mà còn mở ra nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy quá trình phát triển, tăng cường năng lực tài chính.
Đặc biệt, vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các tổ chức tín dụng.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ... và đặc biệt là cải thiện hệ CAR.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: mặc dù hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế và mức trung bình của ngành ngân hàng trong khu vực. So với bình quân của các quốc gia như Indonesia (22,6%), Philippines (17,2%), Singapore (17,1%), Thái Lan (19,6%) và Malaysia (18,5%), hệ số CAR của ngân hàng Việt Nam vẫn đang ở mức thấp.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam vẫn khá thấp so với chuẩn mực Basel II và các ngân hàng thương mại trong khu vực (khoảng 12-14%), trong khi việc tăng vốn trong giai đoạn này còn gặp nhiều khó khăn.
Giới chuyên gia dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức cho ngành ngân hàng khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng. Do đó, vốn điều lệ đóng vai trò như một "bộ đệm", đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng đối phó với những thách thức và biến động trong môi trường kinh tế không ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, rủi ro tăng cao thì các ngân hàng chú trọng tăng vốn và tăng quản trị chất lượng tài sản sẽ là chiến lược hợp lý hơn là chạy theo tăng trưởng lợi nhuận. Tuy vậy, với phương án tăng vốn chủ yếu từ phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ thì còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán, nên thách thức tăng vốn thành công với các ngân hàng không hề nhỏ.
Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ thêm 4.110 tỷ đồng
- SeABank triển khai phương án để tăng vốn điều lệ lên 28.800 tỷ đồng 03/07/2024 09:49
- Áp lực tăng vốn, ngân hàng Việt săn tìm cổ đông ngoại dày túi tiền 30/06/2024 11:30
- Các ngân hàng muốn phát hành 283.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn 18/06/2024 10:30
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.