Tổ bảo vệ rừng thôn bản ở Quảng Trị hưởng lợi 51 tỷ từ bán tín chỉ carbon

Văn Tuân - 26/12/2023 08:08 (GMT+7)

(VNF) - Giai đoạn 2023 đến 2025, tỉnh Quảng Trị bán tín chỉ carbon từ 100 nghìn ha rừng tự nhiên thu về trên 51 tỷ đồng. Người hưởng lợi số tiền này là bà con ở các tổ bảo vệ rừng ở các thôn bản.

VNF

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là khu vực rừng tự nhiên, khoảng 100 ha do tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ruộng xã Hướng Tân huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị bảo vệ chăm sóc. Khu rừng này được chủ rừng đánh giá có độ che phủ và mật độ đông đặc của rừng tự nhiên đạt tiêu chuẩn.

Trung bình mỗi ha rừng như thế này sẽ được chi trả khoảng 120 ngàn đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Trong giai đoạn 2023 đến 2025 Quảng Trị có hơn 100 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó có khoảng trên 20 nghìn ha là rừng tự nhiên do các tổ bảo vệ rừng cộng đồng nhận khoán bảo vệ.

Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng. Năm 2022, Chính phủ có nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải - bán tín chỉ carbon và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Bộ NN&PTNT chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương đã nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.

Quảng Trị thu hơn 51 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon của rừng

Bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương Bắc Trung Bộ được thí điểm nhận nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng với tổng 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế chuyển đến các tỉnh theo quy định. Việt Nam hiện có 14,7 triệu ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ trên 42% là nơi hấp thụ lớn carbon, được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon rừng. Rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50 đến 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu.

Trước đó, Quảng Bình cũng đã được nhận được nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng để tạo thêm nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng. Tỉnh Quảng Bình đã chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh của khu vực).

Cùng chuyên mục
Tin khác