'Tố' Nga phát triển tên lửa bị cấm, Mỹ đe dọa ‘sẽ tìm cách phá hủy’

Chu La - 03/10/2018 07:36 (GMT+7)

(VNF) - Washington tuyên bố nếu Moscow tiếp tục phát triển những tên lửa mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, Mỹ sẽ tìm cách tiêu diệt khi chúng đi vào hoạt động.

VNF
Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison.

Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Kay Bailey Hutchison ngày 2/10 cho biết, Washington tiếp tục cam kết giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Mỹ sẵn sàng cân nhắc tấn công quân sự nếu Nga tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa tầm trung.

“Nếu hệ thống này có khả năng hoạt động, Mỹ sẽ xem xét khả năng loại bỏ chúng nếu nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh khác tại châu Âu", bà Hutchison nhấn mạnh.

Hồi tháng 2/2017, Mỹ cáo buộc Nga bí mật triển khai 2 tiểu đoàn tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, vi phạm Hiệp ước hạt nhân tầm trung (INF) ký kết năm 1987.

Hiệp ước INF là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo đó, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.

Tuyên bố của bà Hutchison được coi là cảnh báo trực tiếp nhất về 1 cuộc tấn công phủ đầu, kể từ khi 1 quan chức Mỹ năm 2017 tuyên bố, Mỹ sẽ cân nhắc hệ thống tên lửa riêng của mình nếu Nga tiếp tục vi phạm Hiệp ước INF.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/10 cho rằng bà Hutchison không ý thức được mức độ trách nhiệm của mình cũng như sự nguy hiểm của các phát ngôn mang tính gây hấn.

Các nghị sĩ có ảnh hưởng của Mỹ đã nhiều lần thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng đang nỗ lực cưỡng lại áp lực từ Quốc hội cũng như cảnh báo với Tổng thống Trump về những hậu quả khó lường nếu xé bỏ hiệp ước này.

Hồi tháng 9/2017, Nga cũng đưa ra cáo buộc Mỹ vi phạm hiệp ước khi triển khai các tổ hợp giếng phóng đa dụng MK-41 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại châu Âu.

Những thiết bị phóng này không chỉ mang tên lửa đánh chặn, mà khi cần có thể lắp tên lửa hành trình với tầm bắn hàng nghìn km, tương tự như hệ thống vũ khí trang bị trên các chiếm hạm Hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, khi triển khai các thành phần lá chắn tên lửa tại châu Âu, Mỹ cũng sẽ sử dụng các tên lửa đạn đạo giả lập để kiểm tra hệ thống. Đây chính là “kẽ hở” để Washington có thể lắp đặt các dòng tên lửa đạn đạo vi phạm Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung tại châu Âu.

Xem thêm >> Nga ‘tố’ Hàn Quốc ‘giam giữ trái phép’ tàu Sevastopol với 14 thủy thủ đoàn

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác