Tòa nhà Westa Hà Đông: 5 năm Coma 18 ‘thất hứa’ sổ hồng với người dân

Trí Anh - 11/06/2019 14:41 (GMT+7)

(VNF) - Lời hứa có sổ hồng đã lặp đi lặp lại suốt 5 năm qua với người dân tại toà nhà Westa Hà Đông, cho đến nay, khi Công ty cổ phần Coma 18 (CIG) ngày một lâm vào nợ nần chồng chất, chắc thời gian cấp sổ hồng chưa thể xác định.

VNF

Người dân sẽ khởi kiện Coma 18?

Như giọt nước tràn ly, ngày 2/6/2019, hàng trăm hộ dân Tòa nhà Westa, một trong các dự án do Coma 18 làm chủ đầu tư đã treo băng rôn phản đối và yêu cầu chủ đầu tư trả tiền quỹ bảo trì cho dân.

Sau đó, tối ngày 5/6/2019, cư dân tòa nhà Westa đã cuộc họp với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Coma 18 (CIG). Tuy nhiên, cuộc họp đã đi vào bế tắc, vì Chủ đầu tư Coma 18 đang rất khó khăn.

Cụ thể, nội dung cuộc họp tối ngày 5/6 chủ yếu về các vấn đề sau: Lộ trình bàn giao quỹ bảo trì 2%; Lộ trình bàn giao sổ đỏ cho các căn hộ; Công tác liên quan đến vệ sinh, quản lý vận hành tòa nhà…

Về lộ trình làm sổ hồng cho dân, Coma 18 thông tin, hiện Coma 18 đang làm thủ tục giải chấp sổ đỏ thế chấp dự án với ngân hàng.

Tuy nhiên, Trưởng ban quản trị tòa nhà Westa cho rằng Coma 18 phải có lộ trình và phương hướng cụ thể, trước việc chung cư bàn giao 5 năm nhưng chưa có sổ đỏ.

Trước phản ứng này của cư dân, ông Bùi Quang Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coma 18 cho biết: “Hiện nay, ban lãnh đạo mới cũng đang nỗ lực và quyết tâm giải quyết tồn tại nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm”.

Như vậy, Coma 18 đang rất nỗ lực trả quyền lợi hợp pháp choc ư dân, nhưng chưa rõ thời điểm cấp sổ, trong khi vẫn đang làm thủ tục giải chấp tại ngân hàng.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Luật Nhà ở năm 2014 quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp tại ngân hàng dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án để vay vốn đầu tư hay xây dự án đó. Tuy nhiên, trước khi bán căn hộ, nhà ở cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ đã được cầm cố, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý.

Về lộ trình trả phí bảo trì, hàng tháng, theo nguồn thu từ 2 tầng hầm thuộc sở hữu của Chủ đầu tư để trả dần phí bảo trì cho cư dân, vì hiện nay, Chủ đầu tư không có nguồn trực tiếp nào để trả ngay lập tức toàn bộ kinh phí bảo trì. Biên bản làm việc ngày 5/6 nêu rõ.

Cuối biên bản, cư dân đã đề nghị bổ sung ý kiến của chị Dung cư dân tòa nhà với nội dung chính như sau: Về sổ hồng cho cư dân sẽ khởi kiện ra tòa án mọi thành phần tham gia và làm việc tại cuộc họp không thống nhất được.

Nội dung họp không thống nhất về quỹ bảo trì, có dấu hiệu tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cư dân sẽ gửi đơn tố cáo từng cá nhân Coma 18. Ý kiến bổ sung trên, đã được 100% cư dân nhất trí.

Coma 18 “đánh mất” thương hiệu thế nào?

Còn nhớ, Coma 18 trước đây thuộc Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma), Bộ Xây dựng, cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2011.

Cuối năm 2015, Coma 18 lâm vào tình trạng khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản. Doanh nghiệp mất kiểm soát mọi hoạt động, tình hình tài chính mất cân đối, vốn chủ sở hữu giảm mạnh, dòng tiền thấp, áp lực thanh toán nợ đến hạn cao, Cục Thuế Hà Nội tiến hành cưỡng chế nợ thuế, nợ lương người lao động, nợ trích trả cơ quan bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng lớn, thiếu việc làm, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn…

Kể từ khi niêm yết đến nay, doanh nghiệp này hoạt động sa sút, Tổng công ty Coma sau đó thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Coma 18 vào năm 2016.

Tại Ðại hội đồng cổ đông năm 2016, nhiều cổ đông vui mừng khi thấy doanh nghiệp “thay máu”, cán bộ, công nhân viên cũng kỳ vọng làn gió mới sẽ thay đổi Coma 18 với các dự án thủy lợi, khu công nghiệp…

Nhưng cổ đông Coma 18 sớm thất vọng, vì doanh nghiệp sau đó hầu như không có chuyển động tích cực nào.

Từ tháng 6/2016 đến nay, Coma 18 có nhiều lần thay đổi nhân sự trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành. Ban lãnh đạo mới gặp nhiều khó khăn khi vừa phải tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp để khôi phục sản xuất - kinh doanh, đồng thời giải quyết các vướng mắc, tồn đọng do cơ chế quản lý cũ để lại. Nhiều khoản nợ mà Coma 18 chưa có khả năng thanh toán là nợ ngân hàng, nợ nhà thầu thi công, nợ thuế, nợ cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Coma 18, Công ty cổ phần Ðầu tư Fidel sở hữu trên 57% cổ phần, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân.

Mới đây, Coma 18 thông báo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2019, tiếp tục không khả quan. Thậm chí, Công ty còn bị HOSE đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế liên tục âm. Cụ thể, Coma 18 lỗ sau thuế 81 triệu đồng trong quý đầu năm.

Nguyên nhân được Coma 18 lý giải là do doanh nghiệp tạm thời dừng hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng do hoạt động kém hiệu quả. Toàn bộ nhân lực tập trung vào dự án khai thác hạ tầng khu công nghiệp. Dự án chưa phát sinh doanh thu, nhưng Công ty vẫn phải trả lương nhân viên.

Trở lại với dự án Westa Hà Đông, sau cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Hội đồng quản trị mới của Coma 18 đã có nghị quyết về việc triển khai nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm nay, trong đó các tồn tại của dự án này là một trong những đầu việc phải xử lý.

Với tình hình thực tế tại cuộc họp ngày 5/6 và khó khăn của Coma 18, thì quyền lợi chính đáng của hàng trăm hộ dân dự án Westa có lẽ không thể được giải quyết một sớm một chiều.

Công ty cổ phần Ðầu tư Fidel có địa chỉ số 349 phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Đại diện pháp luật của Công ty là ông Nguyễn Văn Hưng. Ngày cấp giấy phép: 02/08/2016, ngày hoạt động: 02/08/2016.

Ngày 14/12/2016, CTCP Đầu tư FIDEL đã mua thành công 18.1 triệu cp, tương đương 57.39% vốn của CTCP COMA18 (HOSE: CIG), đồng thời trở thành cổ đông lớn của Công ty này.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.