Ngân hàng

Toàn cầu siết chặt chống lạm phát, Việt Nam thúc đẩy giảm lãi suất

(VNF) - Trái với xu hướng tăng trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định hạ lãi suất điều hành. Đây là một hành động được cho là táo bạo, bất ngờ nhưng được cho là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đang chịu áp lực từ vĩ mô cả bên trong và bên ngoài. 

Toàn cầu siết chặt chống lạm phát, Việt Nam thúc đẩy giảm lãi suất

Quyết định bất ngờ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông cáo về việc điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Theo đó, NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành ở 2 hạng mục xuống bớt 1% (100 điểm cơ bản) và cũng hạ lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng VND bớt 0,5% đối với các tổ chức tín dụng (TCTD).

Cụ thể, NHNN giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Đây là một quyết định khá bất ngờ vì trước đó một số dự báo cho rằng NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 1-1,5% (100-150 điểm cơ bản) trong nửa đầu năm 2023.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 22/3 tới lên 4,75-5%/năm và mức độ tăng lãi suất sẽ chưa dừng lại.

Và theo thông lệ, khi Fed tăng lãi suất thì ngân hàng trung ương các nước cũng sẽ nâng lãi suất theo.

Không chỉ Mỹ, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã tiến hành tăng lãi suất. Đầu tháng 2/2023, Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lên 4%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Lạm phát vẫn căng thẳng là nguyên nhân khiến lãi suất trên thế giới chưa dừng lại

Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất thế giới tăng cao, NHNN vẫn quyết định hạ lãi suất. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây.

Trước đó, trong năm 2022, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành mỗi lần 1% vào ngày 23/9/2022 và 25/10/2022 trong bối cảnh Fed liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. NHNN khi đó cho biết tăng lãi suất nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tránh hiện tượng dòng tiền tháo chạy khỏi Việt Nam khi lãi suất trong nước thấp hơn thế giới.

"Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", thông báo của NHNN nêu.

Mặc dù vậy, NHNN cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.

Bước đi được trông đợi

Quyết định hạ lãi suất điều hành lần này của NHNN được xem là ngược chiều so với thế giới, trái ngược với xu hướng tiếp tục tăng lãi suất của Mỹ.

Đánh giá về động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN lần này, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM cho rằng, quyết định của NHNN được coi là bất ngờ là do “mọi người chưa quen”. NHNN đã dám làm để lãi suất thực được đảm bảo so với lạm phát và phù hợp với tình hình trong nước.

Về quan điểm cho rằng việc Fed duy trì lãi suất cao sẽ khiến Việt Nam khó có thể hạ lãi suất vì có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, ông Huy cho rằng: việc này đúng phần nào. Nhưng cần lưu ý tỷ lệ lạm phát Việt Nam hiện được kiểm soát khá tốt và thấp hơn so với Mỹ và nhiều quốc gia khác. Nếu duy trì được lạm phát thấp thì việc lãi suất Việt Nam có ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn các quốc gia lớn trong ngắn hạn là điều không có gì bất thường.

Theo ông Huy, việc NHNN hạ lãi suất có tốt cho nền kinh tế và TTCK hay không còn tùy bối cảnh, nhưng quyết định của NHNN là dám làm và hợp lý.

Nhưng với việc lạm phát Mỹ (hiện ở mức 6%) cao hơn so với lạm phát của Việt Nam (hiện ở mức 4,5%) thì động thái của NHNN là hợp lý.

Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập FIDT cho rằng việc hạ lãi suất điều hành lần này của NHNN là bước đi sáng suốt và kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Bởi nền kinh tế đang chịu áp lực từ vĩ mô cả bên trong và bên ngoài. 

Theo ông Tuấn, sự kiện một số ngân hàng Mỹ dừng hoạt động do nền lãi suất quá cao dự báo cũng tác động ít nhiều đến các ngân hàng tại Việt Nam, dù ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp. Nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khi Mỹ rơi vào suy thoái. Các lĩnh vực như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng tại Việt Nam cũng èo uột từ hệ quả của việc tắc nghẽn thanh khoản. Vì vậy, để kích thích lại nền kinh tế từ đầu tư và tiêu dùng thì cần chi phí vốn rẻ. 

Ông Tuấn cho rằng động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN vừa mang tính chiến lược dài hạn nhưng cũng là phản ứng ngắn hạn để "phòng ngự từ xa" trước những biến số khó lường từ Mỹ. Không chỉ quyết định hạ lãi suất điều hành, việc hút tiền cũng đã được ngưng lại từ tín phiếu. Hai giải pháp mà NHNN có thể thực hiện là giảm chi phí đầu vào và tăng cung tiền.

Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại như hiện nay thì việc giảm lãi suất điều hành mang lại kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ khá hơn từ đó góp phần giữ được nhịp độ tăng trưởng GDP. Động thái giảm lãi suất của NHNN sẽ có tác động tích cực nhưng cũng cần có thời gian để thẩm thấu. 

Tin mới lên