Toan tính của ngân hàng khi rầm rộ tăng vốn

Trần Mạnh - 19/06/2020 07:01 (GMT+7)

Dù lợi nhuận suy giảm, song năm 2020 lại khá thuận lợi cho các ngân hàng thuyết phục cổ đông chấp thuận phương án tăng vốn.

VNF
SHB đã thông qua phương án tăng vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10%.

Tranh thủ chia cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cho nhà đầu tư ngoại

Tăng vốn tiếp tục là tâm điểm tại đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng tuần này và tuần sau. Mặc dù nguồn lợi nhuận để lại từ các năm trước khá lớn, song hầu hết các ngân hàng đều không chia cổ tức, thay vào đó là rầm rộ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra đầu tuần này, cổ đông Ngân hàng SHB đã thông qua phương án tăng vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10%. Theo đó, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng thêm 1.755 tỷ đồng, lên gần 19.314 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng ACB sau đó một ngày cũng thống nhất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% từ lợi nhuận năm 2019 để tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay và tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% cho năm 2020.

Ngoài 2 ngân hàng trên, từ nay đến cuối tháng, các ngân hàng như LienVietPostBank, MBBank, Techcombank… cũng tổ chức đại hội đồng cổ đông với tâm điểm là tăng vốn.

Không chỉ tăng vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch chào bán cổ phần hoặc công ty con cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, MSB cho biết, đã đàm phán xong và đang chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận. Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông đầu tuần này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB khẳng định, SHB đã có đối tác để bán SHB Finance: “Hiện là thời điểm thuận lợi để thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chúng tôi đang đàm phán để giá bán có lợi nhất. Tỷ lệ bán sẽ theo quy định của NHNN”, ông Hiển cho hay.

Tại Đại hội đồng cổ đông vào tuần tới, LienVietPostBank đã trình kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ chào bán không quá 4,99%. Trước đó, SCB cũng được cổ đông thông qua phương án chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước, với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, ACB và HDBank đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Riêng HDBank dự định huy động 1 tỷ USD giai đoạn 2020-2024 bằng phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note.

Tận dụng cơ hội làm dày gối đệm thanh khoản

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, Covid-19 xảy ra khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, việc tăng vốn không mấy thuận lợi. Nhưng rủi ro tăng càng khiến việc tăng vốn không thể lùi, bởi sẽ giúp ngân hàng tăng gối đệm thanh khoản, giúp ngân hàng ứng phó tốt hơn với rủi ro.

“Trong bối cảnh dịch có diễn biến phức tạp, ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu dồi dào sẽ dễ dàng trụ vững, ngược lại ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu mỏng có nguy cơ bị mất thanh khoản. Bởi vậy, trong khó khăn, ngân hàng càng phải tăng vốn để gia cố gối đệm và tăng vốn bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu là cách dễ nhất”, TS. Hiếu nhận định.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, năm nay, NHNN không khuyến khích các ngân hàng thương mại chia cổ tức tiền mặt, giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong thuyết phục cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

“Tăng vốn nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu luôn là vấn đề nóng tại mùa đại hội đồng cổ đông các ngân hàng, song năm nay, cổ đông ít thắc mắc hơn. Dù vậy, cũng phải thấy rằng, thực tế yêu cầu tăng vốn là rất cấp bách để ngân hàng nâng cao năng lực quản trị rủi ro, năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, tạo nguồn lực phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả trong các năm tiếp theo”, vị phó tổng giám đốc trên cho hay.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cho rằng, việc tăng vốn của ngân hàng còn để đáp ứng nhu cầu tăng tín dụng. Bởi theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, từ ngày 1/10/2021, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giảm xuống còn 34% và sẽ giảm tiếp xuống còn 30% từ sau ngày 1/10/2022. 

Về phương án gọi vốn từ nhà đầu tư ngoại, nhiều chuyên gia cho rằng, với triển vọng thị trường cho vay tiêu dùng ở nước ta hiện nay, việc bán các công ty tài chính cho đối tác ngoại vẫn rất khả thi. Song việc chào bán cổ phiếu của các ngân hàng lại phụ thuộc rất nhiều vào thị trường chứng khoán. 

Riêng việc huy động vốn trên sàn quốc tế thông qua hình thức chào bán trái phiếu quốc tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HD Bank cho rằng, bối cảnh thế giới thừa vốn hiện nay là cơ hội lý tưởng để các ngân hàng huy động nguồn vốn rẻ.

“HDBank quyết định phát hành trái phiếu quốc tế vào thời điểm này vì các nước đang trong quá trình hỗ trợ kinh tế khi Covid-19. Họ bơm thêm rất nhiều tiền ra thị trường, với lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất, tạo ra nguồn vốn dồi dào trên thị trường vốn quốc tế. Đây là thời điểm thuận lợi để phát hành nhằm có nguồn vốn dài hạn và mức lãi suất tốt trong kế hoạch lâu dài của Ngân hàng, bổ sung các nguồn vốn có khả năng tài trợ cho các dự án, đặc biệt là những dự án cho mục đích phục hồi hậu Covid-19”, bà Thảo cho hay.

Xem thêm: Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà: Năm 2020 sẽ ‘tấn công’ ngành nước, năng lượng tái tạo và BĐS công nghiệp

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác