Hàng chục siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM dán nhãn 'Thanh toán không tiền mặt'
Bích Thủy -
17/06/2020 12:08 (GMT+7)
(VNF) - Siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, một số sạp chợ An Đông, cây xăng…. là những điểm bán lẻ đầu tiên được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đến dán nhãn “thanh toán không tiền mặt” nhân chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày không tiền mặt (16/6) tại TP.HCM
Thanh toán không tiền mặt ở chợ
Tại siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh, những tấm nhãn “Thanh toán không tiền mặt” đã được dán tại quầy thu ngân, nơi có các thiết bị POS, QR code hay ví điện tử dùng thanh toán cho khách mua hàng. Tại chợ An Đông quận 5, biểu tượng “Thanh toán không tiền mặt” được dán một số sạp của tiểu thương để người mua hàng dễ dàng nhận diện.
Ảnh: Thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ An Đông
Dán nhãn "Thanh toán không tiền mặt" không chỉ giúp người mua hàng nhận diện các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt, mà còn là sự cam kết của nhà bán lẻ với hình thức thanh toán văn minh này, gắn liền với cuộc sống hằng ngày.
Lãnh đạo Saigon Co.op cho biết, thanh toán không tiền mặt ở hệ thống tăng mạnh trong khoảng một năm gần đây. Cụ thể, từ mức 3%-5% trong năm 2019, hiện nay doanh số thanh toán không tiền mặt đã chiếm gần 21%, tức tăng gấp 7 lần, chủ yếu từ ví điện tử, thẻ thanh toán các loại, voucher điện tử, dịch vụ thu hộ... Theo kế hoạch đặt ra trước đó, trong 5 năm, Saigon Co.op sẽ tăng tỉ lệ thanh toán không tiền mặt tại hệ thống lên 30%.
Lý giải về bước chuyển biến nhảy vọt trong cách thức mua sắm của người dùng tại hệ thống Co.opmart, lãnh đạo hệ thống siêu thị này cho biết có rất nhiều nguyên nhân: tác động của truyền thông, người tiêu dùng đã không còn cảm thấy xa lạ với các hình thức thanh toán không tiền mặt nhờ hoạt động truyền thông quảng bá. Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng là điều kiện xúc tác khiến cho quá trình chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt nhanh hơn.Yếu tố quan trọng nữa là việc kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa nhà bán lẻ cùng nhà cung cấp, trung gian thanh toán đã tốt hơn, cơ chế pháp lý cho người sử dụng thanh toán không tiền mặt được bảo vệ hơn, giúp cho lòng tin của người dùng về tính bảo mật, an toàn với các phương thức thanh toán số cao hơn.
Chợ An Đông là điểm đầu tiên được UBND Quận 5 chọn triển khai lắp các máy mPOS, để tạo tiền đề cho phát triển thanh toán không tiền mặt tại các chợ khác trên địa bàn quận. Ngoài những lợi ích, hưởng ưu đãi, khuyến mãi từ ngân hàng thì thanh toán không tiền mặt cũng đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách du lịch khi đi mua sắm tại các phố thời trang, phố vàng bạc, phố đông y tại quận 5.
Đại diện Sacombank cũng cho biết, hiện ngân hàng này đã phối hợp với Visa và Nextpay cùng sự hỗ trợ của Phòng kinh tế và UBND quận 5 lắp 30 máy mPOS để thanh toán cà thẻ, quét mã QR chuẩn EMV tại chợ An Đông và sắp tới sẽ nhân rộng thanh toán không tiền mặt tại các chợ khác trên địa bàn quận 5. Vốn quen với “tiền trao cháo múc”, nhưng các tiểu thương chợ truyền thống giờ đây đã bắt đầu làm quen và tỏ ra hào hứng với việc cà thẻ, quét mã QR để thanh toán không tiền mặt.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn thanh toán không tiền mặt tại chợ ngày càng phổ biến hơn nữa. Qua đó tiểu thương cũng được lợi khi không phải lo tiền giả, tiền rách, mất công kiểm đếm... tiền bán hàng được chuyển thẳng vào tài khoản, thuận tiện cho thanh toán, bảo đảm an toàn.
Thanh toán không tiền mặt đang tăng nhanh
Tính đến cuối tháng 4/2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng của cả nước tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa (Tổng cục Thuế), đến nay đã có 99% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, số lượng cá nhân và hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ này chưa cao. Theo thống kê, hiện có gần 300 DN áp dụng hóa đơn điện tử với tổng số doanh thu xác thực trên 103.600 tỷ đồng và tổng số thuế giá trị gia tăng được xác thực hơn 8.000 tỷ đồng. Hiện cơ quan thuế đang triển khai dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử.
Hiện TP.HCM đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh nên việc xây dựng xã hội không tiền mặt là mục tiêu quan trọng cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bởi lẽ, một số lĩnh vực có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt còn khiêm tốn như dịch vụ y tế, hiện thu không tiền mặt mới đạt khoảng 50%. Chính quyền TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành thúc đẩy phát triển thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt theo Chỉ thị 22 của Chính phủ và sẽ làm việc với các đơn vị để thúc đẩy việc này trong năm nay.
Thời gian qua cơ sở pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt đã được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện, tạo nền tảng cho hoạt động thanh toán nói chung, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ mới. NHNN cũng đã trình Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Khi quyết định này được Chính phủ chấp thuận và ban hành sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone