Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam dự kiến có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng

Duy Thái - 06/06/2021 21:40 (GMT+7)

Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn chủ sở hữu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là 1.000 tỷ đồng; vốn bổ sung trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật.

VNF
Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam dự kiến có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Tổ chức theo mô hình Công ty TNHH MTV

Theo dự thảo quyết định, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam có tên viết tắt là VSDC, có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại TP. HCM.

VDSC được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại trong nước, nước ngoài; hạch toán độc lập, thực hiện chế độ tài chính, chế độ báo cáo thống kê, kế toán, kiểm toán, công bố thông tin, và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Dự theo quyết định nêu rõ, VDSC kế thừa tất cả quyền lợi, trách nhiệm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Vốn điều lệ của VDSC là 2.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn chủ sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam là 1.000 tỷ đồng; vốn bổ sung trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của VDSC.

Cơ cấu tổ chức quản lý của VDSC bao gồm: hội đồng thành viên, tổng giám đốc, ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VDSC do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên.

Về điều lệ tổ chức và hoạt động, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDSC theo đề nghị của Hội đồng thành viên VDSC và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Hoạt động vì lợi ích của người gửi, người sở hữu chứng khoán

Dự thảo quyết định nêu rõ, VDSC có chức năng tổ chức thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán; giám sát hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán; các chức năng khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDSC.

Cũng theo dự thảo, VDSC có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; Ban hành các quy chế về đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán, quy chế thành viên của VDSC và các quy chế nghiệp vụ khác sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận; xây dựng quy trình hoạt động và quản lý rủi ro cho từng nghiệp vụ.

VDSC sẽ cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VDSC theo yêu cầu của khách hàng; cung cấp dịch vụ khác quy định tại Điều lệ VDSC; thực hiện cấp mã chứng khoán trong nước và mã số định danh chứng khoán quốc tế cho các chứng khoán đăng ký tập trung tại VDSC; chấp thuận, thay đổi, hủy bỏ đăng ký chứng khoán tại VDSC.

VDSC được quyền chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên; đình chỉ hoạt động lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký, đình chỉ hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán của thành viên bù trừ; thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký, Giấy chứng nhận thành viên bù trừ. Mặt khác, giám sát hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; giám sát tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của thành viên.

VDSC quản lý tách biệt tài sản của khách hàng, tài sản của khách hàng với tài sản của VDSC; quản lý tách biệt tài sản của các quỹ hỗ trợ thanh toán, quỹ bù trừ, quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; được sử dụng các nguồn hỗ trợ thanh toán trong trường hợp thành viên của VDSC tạm thời mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định, VDSC hoạt động vì lợi ích của người gửi chứng khoán, người sở hữu chứng khoán; bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, trừ trường hợp bất khả kháng; ….

Theo TBTCVN
Cùng chuyên mục
Tin khác