Tổng thanh tra Chính phủ: Thu hồi tài sản tham nhũng hơn 1.000 tỷ đồng

Anh Hùng - 05/11/2022 14:50 (GMT+7)

(VNF) - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, 9 tháng đầu năm, Thanh tra đã đôn đốc 5.586 kết luận thanh tra, qua đó thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021

VNF
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Trả lời chất vấn về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều đại biểu quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết việc ngăn chặn, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, tháng 6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, kết quả 9 tháng đầu năm, Thanh tra đã đôn đốc 5.586 kết luận thanh tra, qua đó thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021, xử lý hơn 1.700 tổ chức và hơn 4.800 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng.

Về thi hành án, đã thi hành xong hơn 1.800 vụ việc với hơn 15.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.700 vụ với 43.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành, tăng hơn 11.800 tỷ đồng và tăng 290% so với năm 2021. Tuy nhiên, kết quả đó mặc dù cao cao xong tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp.

Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã nêu một số giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là Chỉ thị 04 của Ban Bí thư.

Đồng thời tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm và phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý sau thanh tra thi hành án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thu hồi, tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

"Điểm mới ở đây tôi cho rằng, thứ nhất là với khó khăn, vướng mắc và quan trọng của thu hồi tài sản sau tham nhũng, nên Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 để tăng cường sự lãnh đạo này", ông Phong nêu.

Giải pháp tiếp theo, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết theo tinh thần chủ trương khi các vụ án xảy ra, nếu các đối tượng tham nhũng nộp lại tiền thì cũng được xem xét đến yếu tố về thời gian thi hành án. "Đấy là một trong những vấn đề chuyển biến. Đặc biệt Chỉ thị 04 thì các cơ quan chức năng đẩy nhanh, vì vậy về vấn đề thanh tra của năm 2022 đã tăng gần gấp đôi và thi hành án thì tăng gần 3 lần", ông Phong cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.