Top 10 CASA: Cuộc đua gia tăng ngày càng gay cấn
(VNF) - Cuộc đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giữa các nhà băng đang ngày càng gay cấn. Tỷ lệ CASA trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất
CASA (Current Account Savings Account) là loại tiền gửi không kỳ hạn hay tiền gửi khách hàng để trong tài khoản thanh toán. Đây là loại tiền mà khách hàng chủ động gửi ngân hàng, thực hiện thanh toán thường xuyên và hưởng lãi suất không kỳ hạn.
Do đó, tỷ lệ CASA là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá tiềm lực của một ngân hàng. Chỉ số này thể hiện khả năng huy động vốn rẻ, phản ánh khả năng sinh lời hoặc khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng nhưng chưa cao còn các kênh đầu tư (vàng, chứng khoán, bất động sản) được cho đang có triển vọng nên nhiều nhà đầu tư chỉ gửi tạm tiền nhàn rỗi ở nhà băng để nắm bắt khi cơ hội đến. Đó cũng là lý do đẩy lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng tại nhiều nhà băng trong quý III.
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, Techcombank đã giành lại vị trí quán quân về tỷ lệ CASA từ tay MB vào cuối quý III.
Tỷ lệ CASA tại Techcombank vào cuối quý III đạt 36,5%, nhờ số dư CASA đạt mức cao kỷ lục 200.000 tỷ đồng. Tính chung tiền gửi của khách hàng tại Techcombank trong 9 tháng đầu năm nay đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm và 21,0% so với cùng kỳ năm trước.
MB tụt xuống vị trí thứ hai về tỷ lệ CASA khi đạt 36,3%. Tỷ lệ này tương đương quý I nhưng giảm so với quý II. Trong quý II/2024, tỷ lệ CASA của MB từng ở mức 37,8%, nhỉnh hơn 0,04 điểm % so với Techcombank.
Tổng mức tiền gửi tại MB cuối quý III đạt hơn 627.000 tỷ đồng, trong đó số dư tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi là hơn 223 nghìn tỷ đồng.
Vietcombank xếp vị trí thứ ba với tỷ lệ CASA đạt 33,5%, giảm 0,4 điểm % so với cuối năm ngoái và 0,7 điểm % so với cuối quý II.
MSB đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng với tỷ lệ CASA đạt 24%. Tiền gửi của khách hàng tại MSB lũy kế 9 tháng đạt gần 148.500 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với đầu năm. Chỉ số này được dẫn dắt bởi tiền gửi của cá nhân với 79.470 tỷ đồng. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt gần 36.000 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn tăng gần 16% từ mốc 97.230 tỷ đồng cuối năm ngoái lên gần 112.500 tỷ đồng cuối quý III.
Những vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng tỷ lệ CASA cao nhất lần lượt thuộc về VietinBank (22,8%), ACB (22,1%), TPBank (19,3%), Eximbank (19%), BIDV (18,3%) và Sacombank (17,5%).
Như vậy, thứ hạng tỷ lệ CASA trong Top 10 đã có sự thay đổi đáng kể khi CASA của VietinBank tăng 0,4 điểm % so với đầu năm, lên vị trí thứ 5. ACB và Eximbank cũng tăng tỷ lệ CASA đáng kể. Trong khi đó, ở BIDV và Sacombank, tỷ lệ này đi xuống.
Đáng chú ý, VPBank đã tụt khỏi Top 10 về tỷ lệ CASA vào cuối quý III, xếp thứ 13 với tỷ lệ CASA là 14,1%.
Cuộc đua gia tăng tỷ lệ CASA sẽ ngày càng gay cấn
Theo giới phân tích, trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian gần đây thì tỷ lệ CASA là một trong những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng về hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Bởi lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thường thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ từ 0,1-0,5 %/năm.
Vì vậy, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng cao sẽ giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Đây là tiền đề giúp ngân hàng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.
Những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao, chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro tốt sẽ giữ được nền lãi vay tốt. Còn những ngân hàng có nợ xấu lớn, CASA nhỏ sẽ có nguy cơ tăng lãi suất cho vay.
Hơn nữa, ngân hàng nào có lượng CASA lớn cũng có lợi thế hơn, giúp điều hòa được chi phí vốn.
Vì thế, các chuyên gia dự báo cuộc đua gia tăng tỷ lệ CASA trong thời gian tới sẽ gay gắt hơn trong hệ thống ngân hàng và không hề dễ dàng cho bất cứ một ngân hàng nào.
Nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ CASA trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tốt hơn, tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn.
Theo dự báo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), CASA có thể tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 khi nền kinh tế đang trên đà hồi phục, thu nhập của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện dẫn đến nhu cầu chi tiêu tăng lên.
Ngoài ra, việc các thị trường đầu tư tài sản như chứng khoán, bất động sản sôi động hơn kích thích nhu cầu đầu tư, thu hút dòng tiền chảy vào các tài khoản thanh toán. Hơn nữa, theo VCBS, mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn ở mức thấp trong năm 2024 sẽ hỗ trợ cho CASA.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết có thể lạc quan vào kết quả kinh doanh năm 2024 của ngành ngân hàng nói chung, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nói riêng, bởi tỷ lệ CASA cao sẽ giúp cho giá vốn ngân hàng thấp, biên lợi nhuận cao hơn.
Đường đua CASA: Dòng tiền đã hồi phục bền vững?
- SeABank lãi trước thuế 4.508 tỷ đồng trong 9 tháng, CASA duy trì đà tăng trưởng 22/10/2024 03:08
- Chiến lược gom tiền rẻ: Cuộc đua CASA ngày càng khốc liệt 24/08/2024 11:30
- SeABank báo lãi hơn 3.238 tỷ sau 6 tháng đầu năm, CASA tăng mạnh 23/07/2024 05:18
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.