Tài chính cá nhân

Top 3 nhược điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung

Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung là một hệ thống kinh tế bao gồm các nguồn lực kinh tế của quốc gia đều thuộc sở hữu Nhà nước.

imoney-kinh-te-ke-hoach-hoa-tap-trung

Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (nền kinh tế chỉ huy) là mô hình kinh tế đặc trưng đã từng tồn tại ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ trước năm 1990. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này cũng xuất hiện ở một số nước phi chính phủ khác như nước Đức dưới thời Hitler. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các nguồn lực cho sản xuất được phân bổ một cách tập trung, thống nhất thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội mà các cơ quan kế hoạch của nhà nước đã soạn thảo, ban hành.

Sau năm 1990, Liên Xô từ bỏ kế hoạch hóa tập trung theo chủ nghĩa Mác và bắt đầu quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Vì nguyên nhân lịch sử và ảnh hưởng đến kinh tế, mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung tỏ ra lỗi thời và được đa số các nước từ bỏ. Hiện nay trên thế giới chỉ có hai nước vẫn hoạt động theo mô hình này là Cuba và Bắc Triều Tiên. Vậy mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung có những hạn chế gì? 

Quá tải thông tin

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các nhà hoạch định kế hoạch có quá nhiều thông tin cần phải tiếp nhận và không thể theo kịp nhiều chi tiết của hoạt động kinh tế. Điều đó dẫn đến máy móc bị gỉ sét vì không có người vệ sinh lắp đặt, hàng hóa nông sản, thực phẩm bị thối rữa vì không có sự phối hợp kịp thời giữa hoạt động lưu kho và phân phối. Sự quá tải thông tin đã khiến các nhà hoạch định kế hoạch không thể bao quát toàn bộ kế hoạch sản xuất và tiêu dùng.

Động lực kém

Động lực kém cũng là một trong những nhược điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khi tất cả việc làm đều được đảm bảo tuyệt đối bởi các nhà quản lý, động lực làm việc của con người bị giảm đi. Về vấn đề sản phẩm, những người quản lý các nhà máy có xu hướng đặt hàng những nguyên liệu đầu vào lớn hơn lượng cần thiết để có thể đảm bảo số lượng hàng hóa cho những năm kế tiếp.

Vì những nhà hoạch định kế hoạch có thể đảm bảo về mặt số lượng dễ dàng hơn về mặt chất lượng nên các doanh nghiệp thường đáp ứng yêu cầu về số lượng bằng cách bỏ qua những yêu cầu về chất lượng. Cùng với những tiêu chuẩn về môi trường vẫn còn chưa được hình thành hoàn chỉnh, cách sản xuất của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung vừa làm giảm chất lượng sản phẩm, vừa gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường.

Cạnh tranh phi hiệu quả

Cạnh tranh phi hiệu quả là nhược điểm cuối cùng trong 3 nhược điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các nhà hoạch định kế hoạch tin tưởng rằng quy mô càng lớn càng tốt. Tuy nhiên, khi quy mô của một doanh nghiệp quá lớn và nằm ngoài khả năng kiểm soát, các nhà hoạch định kế hoạch sẽ mất thông tin từ đối thủ cạnh tranh và rất khó đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Thiếu thông tin từ đối thủ cạnh tranh thì sẽ không thể tránh được những sai lầm kinh tế.

Từ khoá: iMoney,
Tin mới lên