Thị trường

TP. HCM: 40% DN vật liệu xây dựng chết lâm sàng, ngành dệt may khốn cùng vì đói vốn

(VNF) - Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) vừa có báo cáo gửi Thường trực UBND TP. HCM về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong tháng 3 và quý I/2023.

TP. HCM: 40% DN vật liệu xây dựng chết lâm sàng, ngành dệt may khốn cùng vì đói vốn

Doanh nghiệp gặp khó từ thiếu hụt dòng tiền, TP. HCM đề xuất giải pháp tháo gỡ (ảnh minh họa)

Theo đó, xét tổng thể thì hầu hết ngành nghề vẫn đang chật vật tìm lối đi trong việc tăng trưởng kinh tế. Một số ngành nghề như lương thực thực phẩm, tuy có sự tăng trưởng sản phẩm đồ uống và một số loại thực phẩm nhưng toàn ngành lại sụt giảm. Dự báo doanh số quý I sẽ giảm khoảng 2%. Điều này là do việc tiêu thụ xuất khẩu lẫn nội địa giảm sâu, dự báo trong quý II ước giảm khoảng 4,07%.

Tương tự, ngành dệt may cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu.

Theo báo cáo, khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Từ giữa năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành dệt may.

Ngay cả ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, tình hình xuất khẩu cũng giảm 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên ném, paleet, đồ gỗ giảm đến 45%; thị trường nội địa cũng đón nhận những đợt sụt giảm lớn về tiêu thụ.

Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.

Cũng trong tình trạng tương tự, trong nhiều tháng qua ngành bất động sản đã đóng băng, điều này kéo theo các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. 

Ngay cả du lịch, dù được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi Trung Quốc mở cửa, những hạn chế khâu cấp visa nhập cảnh, việc thiếu vắng các cơ sở hạ tầng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế... là điểm nghẽn hạn chế khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp, dù nhà nước đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế, song trên thực tế việc thụ hưởng chưa nhiều, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn khi tỷ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%.

Theo HUBA, thông qua các cuộc khảo sát của hiệp hội, có tới 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ là 41,2%.

Để có thêm nhiều trợ lực cho doanh nghiệp, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay một năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.

HUBA đề xuất Chính phủ cần có những giải pháp tháo gỡ như: đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hàng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.

Thành phố xem xét khơi thông lại chương trình kích cầu đầu tư nhằm giải cứu cho doanh nghiệp đã tham gia mà không được giải ngân; thúc đẩy phát triển du lịch, an sinh xã hội; đào tạo nghề... 

Tin mới lên