TPBank đặt kế hoạch lãi 3.200 tỷ đồng năm 2019, tăng 42%

Minh Tâm - 09/04/2019 11:24 (GMT+7)

(VNF) - Con số lợi nhuận kế hoạch sẽ khác khi TPBank hoàn tất mua lại một công ty tài chính trong năm nay.

VNF
TPBank đặt kế hoạch lãi 3.200 tỷ đồng năm 2019, tăng 42%

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), năm 2019, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 12% lên 152.362 tỷ đồng. Vốn điều lệ mục tiêu tăng 18% lên 10.070 tỷ đồng.

TPBank đặt mục tiêu đạt 134.114 tỷ đồng tổng huy động vốn đến cuối năm nay, tăng 13% sau một năm. Trong đó, tiền gửi khách hàng mục tiêu đạt 99.949 tỷ đồng, tăng 18%; tiền gửi và vay của các tổ chức tín dụng khác mục tiêu đạt 34.164 tỷ đồng, tăng 2%.

Về dư nợ tín dụng, TPBank cho biết mục tiêu năm 2019 của ngân hàng là đạt 93.770 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng, tăng 20%; trong khi đó, dư nợ đầu tư trái phiếu của các tổ chức kinh tế chỉ 3.208 tỷ đồng, bằng phân nửa năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng mục tiêu dưới 1,5%.

Phía TPBank cho biết sẽ thực hiện mua lại toàn bộ/một phần trái phiếu VAMC tùy theo số vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Đặc biệt, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2019 lên đến 3.200 tỷ đồng, tăng 42% so với năm ngoái.

TPBank cho hay ngân hàng dự kiến sẽ mua lại một công ty tài chính trong năm nay, khi đó số liệu lợi nhuận hợp nhất dự kiến sẽ có sự thay đổi.

Được biết, hiện nay TPBank không có công ty con nào, vì vậy chỉ có duy nhất một loại báo cáo tài chính, không phân biệt báo cáo riêng lẻ và báo cáo hợp nhất.

Tiết lộ thêm về đường hướng kinh doanh năm 2019, HĐQT TPBank cho biết sẽ ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn đã được xác định như: Đẩy mạnh tài trợ các công ty, đơn vị ứng dụng công nghệ cao; Tập trung lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng ưu tiên đồng thời cũng là những lĩnh vực TPBank có ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các ngân hàng khác.

Cùng với đó, chỉ đạo linh hoạt trong công tác tín dụng trong bối cảnh room tín dụng bị hạn chế, thúc đẩy tăng trưởng CASA (tiền gửi không kỳ hạn), chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn vốn giá rẻ, tiết kiệm chi phí huy động vốn; chú trọng phát triển khách hàng, gia tăng lượng khách hàng active và coi TPBank là ngân hàng chính.

Bên cạnh đó, triển khai và phát triển các sản phẩm tài chính tiêu dùng, phát triển các tiện ích đi kèm nhằm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường; phát triển sản phẩm ngân hàng giao dịch, LC, bảo lãnh, sản phẩm tài trợ thương mại và các sản phẩm ngoại hối nhằm gia tăng thu nhập từ phí lãi.

Trong một diễn biến liên quan, vừa qua, TPBank đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2019.

Theo đó, kết thúc quý I/2019, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này đạt 1.886 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với quý I/2018. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết 31/3/2019, tổng tài sản của TPBank đạt gần 140 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2018. Vốn chủ sở hữu đạt 11,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, TPBank cho biết hệ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II của ngân hàng đạt trên 10%.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, tổng huy động của TPBank đạt trên 125 nghìn tỷ đồng, tăng 14 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 13% so với cùng kỳ. Trong đó, huy động từ thị trường 1 đạt gần 89 nghìn tỷ đồng, tương đương 71% tổng huy động của cả quý.

Dư nợ thị trường 1 đạt 93,6 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức khoảng 1%.

Cùng chuyên mục
Tin khác