Bất động sản

Tranh chấp quỹ bảo trì: Bộ Xây dựng sẽ đề xuất thêm 2 mô hình quản lý quỹ

(VNF) - Giải trình tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết thời gian tới, cần kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp thành viên ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định...

Tranh chấp quỹ bảo trì: Bộ Xây dựng sẽ đề xuất thêm 2 mô hình quản lý quỹ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới, cần kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình việc quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư. Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết qua tổng hợp số liệu của 40 địa phương, đến thời điểm ngày 31/3, có 11 địa phương còn tranh chấp, khiếu nại, trong đó chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, TP. HCM.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên, theo Bộ trưởng Xây dựng, là do một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng. Vì thế họ không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% mà đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình.

"Sau khi bán căn hộ thì nhiều chủ đầu tư tìm lý do để trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị, hoặc khi thành lập được ban quản trị thì tìm cách thoái thác trong việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì này cho ban quản trị. Thậm chí chấp nhận nộp phạt để trì hoãn, kéo dài thời gian phải bàn giao nhằm chiếm dụng khoản kinh phí bảo trì", Bộ trưởng nói.

Một vấn đề được đặt ra là dù chỉ có 10% chung cư hoạt động chưa tốt nhưng trong phần đó, lùm xùm liên quan đến việc chủ đầu tư không hoặc chậm bàn giao kinh phí bảo trì chiếm tới 79%.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, để giải quyết tình trạng này, bên cạnh các kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

“Trong đó, kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp thành viên Ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định...”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ đề xuất thêm 2 mô hình khác là chủ đầu tư thực hiện phần bảo trì, vận hành chung cư và mô hình đơn vị quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp.

Như vậy, cư dân của chung cư có thể lựa chọn, hoặc bầu ban quản trị, hoặc giao chủ đầu tư, hoặc thuê đơn vị chuyên nghiệp bảo trì, vận hành chung cư...

Trước đó, dẫn số liệu của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội (tại thời điểm tháng 2/2019), Bộ Xây dựng cho hay toàn thành phố Hà Nội có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng. Trong đó, mới có 492/745 chung cư tổ chức được hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, đã bàn giao hồ sơ 392/492 chung cư, đã bàn giao diện tích sở hữu chung 338/492 chung cư, đã bàn giao kinh phí bảo trì 238/492 chung cư.

Thành phố có 174 chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng, trong đó tổ chức hội nghị nhà chung cư để  bầu ban quản trị được 82/174 chung cư, bàn giao kinh phí bảo trì được 49/82 chung cư, bàn giao hồ sơ nhà chung cư được 47/82 chung cư.

Như vậy, xét riêng vấn đề quỹ bảo trì, hiện cả Hà Nội có 287 chung cư chưa được chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì.

Còn tại TP. HCM, báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, toàn thành phố có 1.367 chung cư với 141.062 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng là 10,6 triệu m2. Trong đó, có 105 chung cư đang trong tình trạng tranh chấp ở các mức độ khác nhau (có 9 chung cư tranh chấp ở mức độ gay gắt, phức tạp).

Tin mới lên