Tranh thủ lãi suất thấp, ngân hàng bán trái phiếu hút tiền rẻ
(VNF) - Tận dụng mặt bằng lãi suất thấp, nhiều ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu nhằm củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn cũng như để chuẩn bị nguồn vốn khi tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng hồi phục trong nửa cuối năm.
Lãi suất thấp, ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn qua trái phiếu
Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi từ dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3 đạt 6,676 triệu tỷ đồng, tăng gần 39.000 tỷ so với tháng liền trước, cao hơn 2,2% so với cuối năm 2023. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy, lượng tiền gửi của cá nhân chảy vào các tổ chức tín dụng đã xác lập mức kỷ lục. Tuy nhiên, các ngân hàng thời gian qua vẫn tiếp tục gia tăng phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu cho thấy, trong nửa đầu tháng 6, có 13 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt 19.117 tỷ đồng. Trong đó, có 10 đợt phát hành thuộc nhóm ngân hàng (ACB, Bac A Bank, HDBank, Shinhan Việt Nam, MSB) và 3 đợt phát hành thuộc lĩnh vực tài chính.
Còn trong báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 5 vừa công bố, Công ty định mức tín nhiệm FiinRatings cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 tiếp tục tăng cả về số đợt và giá trị phát hành. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng với 19 đợt phát hành trị giá 16.500 tỷ đồng, tăng 76,8% so với tháng 4. Trong đó, BIDV và Techcombank sở hữu lượng phát hành lớn nhất là 5.300 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng.
Theo FiinRatings, trái phiếu mới phát hành chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn 2 - 3 năm và 7 - 8 năm. Trái phiếu của các ngân hàng có kỳ hạn bình quân là 5 năm và lãi suất bình quân là 5,4%/năm.
Còn theo báo cáo phân tích về thị trường TPDN của Công ty Chứng khoán MBS, các quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn dự kiến sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.
Tính từ 1-20/6, tổng giá trị TPDN phát hành thành công ước đạt hơn 20,4 nghìn tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhóm ngành ngân hàng chiếm 94% tổng giá trị phát hành, trong đó bao gồm ACB (10 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 4,5%/năm), Shinhanbank Việt Nam (4 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 5,1%/năm) và MSB (2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,3%/năm).
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 93,8 nghìn tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ. Lãi suất TPDN bình quân gia quyền trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 7,8%/năm, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Hiệp hội thị trường trái phiếu cho hay, tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt 56.678 tỷ đồng, giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 57,1% tổng giá trị mua lại trước hạn (khoảng 32.336 tỷ đồng).
FiinRatings cho rằng, tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung, dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% cả năm mà NHNN đề ra.
Theo FiinRatings, lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân đã tạo đáy từ tháng 4 nhưng mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh vẫn đi ngang. Vì thế, chi phí lãi đối với các trái phiếu có lãi coupon thả nổi (neo theo mức tham chiếu là lãi suất tiết kiệm trung bình của nhóm ngân hàng Big4) tạm thời chưa bị ảnh hưởng.
Nhưng thanh khoản bớt dư thừa trong hệ thống sẽ dẫn tới việc các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động trong thời gian tới, gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi. Trái chủ của các trái phiếu này sẽ phải đối mặt với chi phí lãi cao hơn và cần cân đối dòng tiền để trả lãi.
Ngược lại, đây sẽ là yếu tố thúc đẩy việc phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định trên nền lãi suất còn thấp như hiện nay đặc biệt là các trái phiếu được bảo lãnh bởi các tổ chức quốc tế uy tín hoặc những lô trái phiếu bởi các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao được chào bán cho các nhà đầu tư phi ngân hàng.
Phát hành trái phiếu dài hạn đảm bảo an toàn vốn
Theo giới phân tích, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu trung dài hạn để đảm bảo các tỉ lệ an toàn của NHNN cũng như để chuẩn bị nguồn vốn khi tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng hồi phục trong nửa cuối năm.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là nhằm tăng vốn cấp hai để đáp ứng chuẩn Basel II và Basel III.
Trong khi đó, FiinRatings dự báo rằng nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN ) của doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dung (TCTD) sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng, các TCTD sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Vì thế, hoạt động phát hành TPDN của các TCTD sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.
FiinRatings đánh giá, các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, nên việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.
"Là nhóm nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, việc các TCTD đẩy mạnh đầu ra qua kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là yếu tổ quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn trong nửa cuối năm nay", FiinRatings kỳ vọng.
Cùng chung nhận định, trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho hay, trong 5 năm qua, các ngân hàng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại.
Trong những năm gần đây, các ngân hàng đã liên tục tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động.
Riêng trong năm 2023, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196 nghìn tỷ đồng trái phiếu, cao hơn mức 104 nghìn tỷ đồng năm 2019. Trái phiếu tăng vốn cấp 2 chiếm 35% quy mô trái phiếu phát hành.
VIS Rating dự báo ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới để hỗ trợ nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn. Trong đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh do vốn cấp 2 của các ngân hàng này sẽ bị khấu trừ đáng kể.
Theo VIS Rating, trái phiếu ngân hàng chủ yếu được phát hành riêng lẻ để giúp các tổ chức phát hành huy động vốn trong khoảng thời gian ngắn với các yêu cầu tối thiều về hồ sơ và tài liệu quy định.
Ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng nhiều hơn để có thể khai thác nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, vì các tổ chức phát hành sẽ không còn được phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Dù trái phiếu ngân hàng luôn khá an toàn, VIS Rating cũng nhắc nhở nhà đầu tư cần nhận thức được những rủi ro đến từ sản phẩm đầu tư này, ví dụ như không được bảo lãnh thanh toán hoặc bảo hiểm chậm thanh toán và có thể bị mua lại trước hạn.
FiinRatings cũng chỉ ra những rủi ro thị trường này phải đối mặt khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đang tăng trở lại.
Theo báo cáo, môi trường lãi suất quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng cổ phần tư nhân đã tăng bình quân 19 và 17 điểm (cơ bản trong tháng 5 và tháng 6). Điều này sẽ làm cho các trái phiếu doanh nghiệp có cơ chế lãi suất thả nổi có rủi ro cao hơn.
Các ngân hàng muốn phát hành 283.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn
- Trái phiếu DN 'mở bát' đầu năm: Áp lực đáo hạn đè nặng mọi kỳ vọng 06/02/2024 02:55
- Trái phiếu doanh nghiệp: Thời điểm đảo chiều cho giai đoạn phát triển mới 05/03/2024 10:22
- Ngân hàng Nhà nước nới quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp 02/01/2024 05:46
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.