Tài chính quốc tế

Trung Quốc kiên trì ‘Zero-Covid’, các ‘gã khổng lồ’ công nghệ chật vật vì tăng trưởng

(VNF) - Các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc đã trải qua quý tăng trưởng tồi tệ nhất trong lịch sử khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc bởi các đợt phong toả phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt, theo CNBC.

Trung Quốc kiên trì ‘Zero-Covid’, các ‘gã khổng lồ’ công nghệ chật vật vì tăng trưởng

Một số ứng dụng nổi tiếng được phát triển bởi các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc.

Trong quý II, công ty thương mại điện tử Alibaba đã lần đầu tiên công bố mức tăng trưởng doanh thu hàng quý bằng cùng kỳ năm ngoái (30,6 tỷ USD), trong khi công ty truyền thông xã hội và trò chơi Tencent đã báo cáo doanh thu giảm kỷ lục (19,8 tỷ USD) và lợi nhuận giảm tới 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc, công bố mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong lịch sử, trong khi nhà sản xuất xe điện Xpeng báo lỗ nhiều hơn dự kiến cũng như đưa ra những dự đoán không mấy khả quan cho quý tiếp theo.

Nguyên nhân dẫn tới những sự sụt giảm của các “ông lớn” công nghệ được cho là bắt nguồn từ sự bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc trong những tháng gần đây, dẫn tới việc thực hiện các biện pháp phong toả nghiêm ngặt tại nhiều thành phố lớn để tuân thủ chính sách “zero-Covid”.

Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II cũng tác động đến mức chi tiêu của người dân cũng như chi tiêu từ các công ty trong các lĩnh vực như quảng cáo và điện toán đám mây.

Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của Alibaba, cho biết: “Doanh số bán lẻ giảm so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4 và tháng 5 do sự bùng phát dịch Covid-19 ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác, và đã phục hồi chậm lại vào tháng 6”.

Mạng lưới hậu cần của Alibaba ở Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng và một số dự án điện toán đám mây đã bị trì hoãn.

Tencent, chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin WeChat và là một trong những công ty trò chơi lớn nhất thế giới, cũng bị tác động bởi chính sách "Zero-Covid" của chính phủ.

Doanh thu từ dịch vụ fintech của công ty tăng chậm hơn so với các quý trước do ngày càng ít người ra ngoài và sử dụng dịch vụ thanh toán di động WeChat Pay. Doanh thu quảng cáo trực tuyến của công ty cũng giảm mạnh do các công ty thắt chặt ngân sách.

JD.com hoạt động tốt trong quý II nhờ kiểm soát rất nhiều chuỗi cung ứng hậu cần và hàng tồn kho. Tuy nhiên, công ty cũng phải chịu chi phí hậu cần tăng do nhiều thành phố, bao gồm cả Thượng Hải, bị phong toả.

Nhà sản xuất ô tô điện XPeng cho biết công ty dự kiến sẽ giao từ 29.000 - 31.000 xe trong quý III. Số lượng xe được bàn giao thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường, tuy nhiên khó mà tăng sản lượng hơn khi việc sản xuất bị ảnh hưởng và số lượng người tới thăm các cửa hàng xe cũng ít hơn nhiều so với thời kỳ trước bùng phát dịch.

Những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch mới bắt đầu vào năm 2020, khi mọi người chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến như mua sắm và chơi game. Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một số khó khăn khiến môi trường kinh tế vĩ mô càng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc cũng tiếp tục phải đối mặt với một môi trường quản lý chặt chẽ hơn nhiều do trong 2 năm qua chính quyền đã đưa ra chính sách cứng rắn hơn trong các lĩnh vực từ chơi game đến bảo vệ dữ liệu.

Với tốc độ tăng trưởng giảm mạnh hơn những năm trước, các nhà đầu tư đang thận trọng với triển vọng của các công ty thuộc nhóm ngành công nghệ.

Trong một diễn biến liên quan, các nhà chức trách thành phố Thâm Quyến mới đây cho biết đã đóng cửa chợ điện tử lớn nhất thế giới ở huyện Huaqiangbei, để phòng dịch Covid-19 do đã phát hiện 11 ca nhiễm mới trong quá trình xét nghiệm ngày 28/9.

Xem thêm >> 'Hawaii Trung Quốc' trở thành 'cơn ác mộng' với du khách

Tin mới lên