Tài chính quốc tế

Trung Quốc tăng cường chào bán LNG dư thừa sang châu Âu

(VNF) - Do đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt của Nga, Trung Quốc hiện có nguồn dự trữ dư thừa thậm chí có thể bán lại cho châu Âu trong bối cảnh khu vực này đang săn lùng và sẵn sàng trả bất kỳ giá nào cho khí đốt để đảm bảo nguồn cung cho mùa đông sắp tới.

Trung Quốc tăng cường chào bán LNG dư thừa sang châu Âu

Ảnh minh họa.

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn nguồn tin giấu tên hay một số lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ ban đầu được chuyển đến Trung Quốc đã được bán lại cho châu Âu. Ở thời điểm hiện tại, hãng dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC cũng đang chào bán một lô hàng LNG từ North West Shelf của Australia để giao vào tháng 11.

Các hãng nhập khẩu LNG nhỏ hơn tại Trung Quốc, như ENN Energy Holdings hay JOVO Group, cũng đã tích cực chào bán các lô hàng của mình, giao tại các cảng ở châu Á.

Trung Quốc là nước mua LNG lớn nhất thế giới trong năm ngoái và tiếp tục gia tăng nhập khẩu LNG trong năm nay. Ngay trước khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát, Nga đã ký một thỏa thuận tăng thêm nguồn cung khí đốt đến Trung Quốc trị giá 37,5 tỷ USD. Trước đó, Moscow đã bắt đầu xuất khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia dài 3.000km vào năm 2019.

Tuy nhiên, các chính sách chống dịch nghiêm ngặt và kinh tế tăng trưởng chậm đã khiến nhu cầu tiêu thụ LNG tại Trung Quốc giảm hơn 20% trong năm nay.

Dù vậy, FT lưu ý rằng việc châu Âu nhập khẩu LNG từ Trung Quốc cũng chỉ là giải pháp tức thời bởi Trung Quốc đang bán LNG mà nước này không cần ngay bây giờ vì hoạt động kinh tế hiện đang giảm sút. Tuy nhiên, một khi hoạt động tăng lên, nhu cầu sẽ phục hồi và sẽ không còn lượng hàng dư thừa để vận chuyển đến châu Âu.

Theo FT, trong năm nay, các công ty Trung Quốc đã bán khoảng 4 triệu tấn LNG trên thị trường quốc tế, bằng khoảng 7% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong nửa đầu năm.

Ở động thái liên quan, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 6/9 thông báo đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để bắt đầu chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng nhân dân tệ và ruble thay vì USD.

CEO của Gazprom, ông Alexei Miller, nhấn mạnh việc cho phép thanh toán bằng ruble và NDT là giải pháp "đôi bên cùng có lợi" cho cả Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Theo ông, thỏa thuận này sẽ giúp đơn giản hóa việc tính toán và sẽ là hình mẫu cho các công ty khác, đồng thời tạo lực đẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Nga và Trung Quốc.

Xem thêm >> OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu

Tin mới lên