Trung Quốc tiến lên khi Mỹ thoái lui: Xu thế xanh tại Việt Nam bị đảo ngược?
Khánh Tú -
Thứ hai, 07/04/2025 10:00 (GMT+7)
(VNF) - Việc Mỹ thoái lui, Trung Quốc mạnh mẽ vươn lên trong lĩnh vực tài chính xanh có thể tạo ra những tác động không nhỏ đến quá trình huy động vốn xanh tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Mỹ thoái lui, Trung Quốc tiến lên
Bộ Tài chính Trung Quốc (MoF) vừa chính thức phát hành trái phiếu xanh chính phủ đầu tiên với tổng trị giá 824 triệu USD trên Sàn giao dịch chứng khoán London (Anh). Đây không chỉ là lô trái phiếu xanh đầu tiên do chính phủ Trung Quốc phát hành, mà còn là lần đầu tiên chính phủ nước này phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế – một cột mốc quan trọng trong chiến lược tài chính xanh của chính quyền Bắc Kinh.
Được biết, sáng kiến về phát hành trái phiếu xanh chính phủ của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 1/2025 sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa chính quyền Bắc Kinh và Anh. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, nguồn vốn huy động được từ lô trái phiếu xanh chính phủ này sẽ được sử dụng cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn sự đa dạng sinh học. Một nguồn tin khác cho hay, Trung Quốc sẽ sử dụng số tiền huy động được để xây dựng mạng lưới sạc xe điện và các công viên quốc gia.
Bước tiến mới về tài chính xanh cho thấy tham vọng của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tài chính bền vững cũng như nỗ lực “đậm nét” hơn sự hiện diện của mình trên thị trường tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, động thái của Trung Quốc được đánh giá là tín hiệu tích cực với thị trường tài chính bền vững toàn cầu, nhất là khi Mỹ đang dần thoái lui khỏi nhiều cam kết bền vững.
Trung Quốc và Mỹ đang có "thái độ" khác nhau đối với tài chính xanh.
Trái phiếu xanh chính phủ của Trung Quốc được phát hành trong bối cảnh thị trường trái phiếu xanh toàn cầu đang chững lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump kéo theo loạt quyết định mang tính “đảo ngược” các chính sách kinh tế xanh Mỹ. Chưa đầy một tháng nhậm chức, ông Trump đã dội hàng loạt gáo nước lạnh vào các nỗ lực "tăng xanh, giảm nâu" của thế giới.
Một trong những “bước lùi” đáng chú ý nhất là việc các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã rời khỏi Liên minh ngân hàng Net-Zero và điều chỉnh các chính sách về đa dạng, công bằng và hòa nhập.
Hay như một “phát súng” khác của Tổng thống Mỹ là ký sắc lệnh điều chỉnh chính sách mua sắm của các cơ quan liên bang, ngày 10/2/2025, với yêu cầu ngừng mua ống hút giấy, xem xét mua ống nhựa. Văn bản công bố ngày 10/2 của Nhà Trắng yêu cầu tiến tới xây dựng một chiến lược quốc gia trong 45 ngày để ngừng dùng loại này.
Trước những quyết định mạnh mẽ từ Tổng thống Trump, thị trường trái phiếu bền vững tại Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Tính từ đầu năm đến ngày 27/3, tổng doanh số trái phiếu bền vững từ các doanh nghiệp và tổ chức tài chính Mỹ giảm gần 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2025, chỉ có duy nhất một lô trái phiếu xanh trị giá 350 triệu USD của doanh nghiệp Mỹ được phát hành, đánh dấu mức phát hành thấp nhất kể từ quý I/2015.
Cùng với đó, trong đầu năm 2025, lượng phát hành trái phiếu xanh từ các nền kinh tế mới nổi cũng giảm khoảng một phần ba, chỉ đạt 8 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2022.
Bà Caterina Ottavi, Giám đốc quỹ trái phiếu xanh tại Eurizon (Ý) nhận định, động thái phát hành lô trái phiếu xanh chính phủ mới đây của Trung Quốc mang “sức nặng biểu tượng và chính trị mạnh mẽ”, thể hiện sự cam kết ngày càng lớn của Trung Quốc đối với tài chính xanh. “Điều này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho các nền kinh tế mới nổi và phát triển khác phát hành trái phiếu xanh”, bà nhấn mạnh.
Việt Nam có ở ngã ba đường?
Tuy nhiên, theo giới phân tích, những biến động liên quan đến tài chính xanh trên toàn cầu có thể phần nào tác động đến quá trình huy động nguồn vốn xanh tại một số khu vực. Ông Jameson McLennan, chuyên gia phân tích tại BNEF, cảnh báo rằng không thể tránh khỏi tác động của các bất ổn vĩ mô và địa chính trị, khiến quá trình huy động trái phiếu xanh ở một số thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, có thể bị chậm lại.
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings thừa nhận có nhiều lo ngại rằng nhu cầu tài chính xanh, tài chính bền vững sẽ “hạ nhiệt” với sự trở lại của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, theo ông Thuân, tài chính xanh là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược, đồng thời, nếu không kiên định với tài chính xanh, Việt Nam sẽ đánh mất đi nhiều cơ hội thu hút và giữ chân các nhà đầu tư lớn.
Theo ông Thuân, thị trường vốn xanh tại Việt Nam đang có những bước tiến tích cực. Số liệu từ FiinRatings chỉ ra, giá trị phát hành trái phiếu bền vững (GSS) tại Việt Nam ước đạt 6.875 tỷ đồng vào năm 2024, tăng mạnh so với 2.500 tỷ đồng vào năm 2023. Đồng thời, tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ có thể đạt đến 30% vào các năm 2018 và 2021, vượt qua mức tăng trưởng tín dụng kinh tế chung (dao động từ 12-15%).
Nếu như trước đây, ngân hàng là khối phát hành trái phiếu xanh chủ lực thì thời gian qua, thị trường cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của các lô trái phiếu xanh phi ngân hàng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã chấp nhận đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn trái phiếu xanh. Đây là minh chứng cho thấy sự ấm dần lên của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam cũng như niềm tin của doanh nghiệp với kênh huy động vốn này, ông nói.
Tài chính xanh là xu thế không thể đảo ngược.
Ngoài ra, mặc dù Mỹ đang dần thoái lui khỏi những cam kết xanh, Việt Nam vẫn có thể tìm kiếm nguồn tài trợ xanh từ các nhà đầu tư tổ chức ở châu Âu và châu Á, những khu vực vẫn duy trì nhu cầu mạnh mẽ đối với các dự án bền vững.
Châu Âu, với các quốc gia như Đức, Pháp và Hà Lan, vẫn đang là những quốc gia dẫn đầu trong việc đầu tư vào các sáng kiến xanh với cam kết mạnh mẽ về khí hậu và phát triển bền vững. Các chính sách của Liên minh châu Âu có thể tạo ra một cơ hội lớn cho Việt Nam để hợp tác và thu hút nguồn vốn đầu tư xanh từ khu vực này.
Trong một cuộc trao đổi với VietnamFinance, bà Văn Lý, Đối tác & Cố vấn của Raise Partners, Đồng Chủ Tịch Ủy ban ESG của AmCham Vietnam cho rằng, để tiếp cận dòng vốn xanh trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, điều quan trọng là cần thúc đẩy minh bạch thông tin về tác động môi trường và xã hội, đồng thời ưu tiên thu hút các dự án đóng góp vào hạ tầng xanh dài hạn và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về quy trình cấp phép và phát triển dự án xanh để tăng cường minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính và khuyến khích đầu tư dài hạn. Đồng thời, việc xây dựng một bộ tiêu chí phân loại xanh (green taxonomy) để xác định rõ các dự án đủ điều kiện là “xanh” cũng là yếu tố then chốt ra sự thống nhất trong lĩnh vực tài chính xanh.
(VNF) - Với những thay đổi lớn sắp tới trong khung pháp lý cùng làn sóng quan tâm ngày càng mạnh mẽ từ nhà đầu tư, thị trường tài chính xanh đang đứng trước cơ hội lớn để "cất cánh"
(VNF) - Việt Nam được đánh giá đang có những bước tiến đáng kể trong quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, tín dụng xanh và tài chính xanh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nguồn vốn cho các dự án bền vững chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
(VNF) - Theo ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia, Việt Nam, Cambodia, Lào của IFC, việc triển khai tài chính xanh ở Việt Nam còn chậm do nhiều hạn chế.
(VNF) - Tại cuộc họp của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) diễn ra trong tuần này tại London, hơn 60 quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất áp dụng thuế carbon toàn cầu đối với ngành vận tải biển. Mục tiêu của sáng kiến này là thúc đẩy cắt giảm lượng khí thải CO2, hướng tới phát triển ngành vận tải biển xanh và bền vững.
(VNF) - Sàn giao dịch carbon Việt Nam dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp tiên phong vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.
(VNF) - Dù chuyển đổi xanh đã trở thành yêu cầu tất yếu của thời đại, nhưng lợi nhuận mỏng và năng lực hạn chế khiến không ít hợp tác xã vẫn loay hoay trong lối mòn “đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
(VNF) - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, một số địa phương quá chú trọng vào mục tiêu hình thành và trao đổi tín chỉ carbon, chưa tập trung vào mục tiêu chính là chuyển đổi sản xuất bền vững.
(VNF) - Envision Energy Singapore mới đây đã đề xuất phát triển 2 nhà máy điện gió với tổng công suất 200 MW tại huyện Đức Trọng - Lâm Đồng. Đây là bước đi tiếp theo trong hành trình điện gió tỷ USD của tập đoàn năng lượng Singapore này ở Việt Nam.
(VNF) - Các doanh nghiệp chú trọng ESG sẽ có khả năng thành công dài hạn, tạo ra lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, vẫn còn mơ hồ về khái niệm và thực hành ESG.
(VNF) - Ở kịch bản thảm họa nhất – khi Trái Đất nóng lên 4 độ C – thu nhập bình quân đầu người có thể sụt giảm tới 40%, The Guardian trích dẫn nghiên cứu mới nhất cho hay.
(VNF) - Với những thay đổi lớn sắp tới trong khung pháp lý cùng làn sóng quan tâm ngày càng mạnh mẽ từ nhà đầu tư, thị trường tài chính xanh đang đứng trước cơ hội lớn để "cất cánh"