Trung Quốc vừa tuyên bố trừng phạt, Mỹ lại duyệt bán lô vũ khí 2,4 tỷ USD cho Đài Loan

Minh Đăng - 27/10/2020 08:01 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi phê duyệt 3 hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan với tổng giá trị hơn 1,8 tỷ USD, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tiếp tục thông qua kế hoạch bán 100 hệ thống phòng thủ Harpoon cho Đài Loan với giá trị có thể lên đến 2,37 tỷ USD.

VNF
Hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon (HCDS) của Mỹ.

Trong thông báo đưa ra ngày 26/10, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon (HCDS) và trang thiết bị đi kèm cho Đài Loan với giá 2,37 tỷ USD.

Được biết Bộ Ngoại giao đã gửi thông báo đến Quốc hội và Quốc hội Mỹ sẽ 30 ngày để bác bỏ đề xuất, nhưng điều này khó xảy ra do lưỡng đảng đều ủng hộ việc phòng thủ của Đài Loan.

Nếu không vấp phải sự phản đối của quốc hội, hợp đồng sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump ký phê duyệt.

Quyết định bán hệ thống phòng thủ bờ biển này được thông qua chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt 3 hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá hơn 1,8 tỷ USD.

Động thái này đã khiến Trung Quốc nổi giận và tuyên bố áp lệnh trừng phạt các công ty của Mỹ tham gia vào thương vụ này.

"Trung Quốc sẽ áp lệnh trừng phạt với các công ty Mỹ như Lockheed Martin, Boeing Defense, Space & Security (BDS) và Raytheon, cũng như những cá nhân và công ty có hành vi xấu trong quá trình bán vũ khí cho đảo Đài Loan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/10. Tuy nhiên, ông không nêu rõ các biện pháp trừng phạt này là gì.

Đồng thời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên án mạnh mẽ việc Mỹ thông qua thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan và yêu cầu Washington ngay lập tức dừng hành động này.

Trung Quốc cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, nước này đang hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Trong khi Raytheon chưa đưa ra phản ứng nào, thì Boeing cho biết vẫn duy quan hệ đối tác với cộng đồng hàng không Trung Quốc. Lockheed Martin khẳng định tuân thủ các quy tắc mua bán quân sự quốc tế của Chính phủ Mỹ.

Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào năm 1979 để ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc", nhưng vẫn là đồng minh chủ chốt và đóng vai trò nhà cung cấp vũ khí nước ngoài duy nhất của Đài Loan.

Tuy nhiên, cũng trong năm 1979, Mỹ thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, có các điều khoản về việc Mỹ và Đài Loan bảo vệ lẫn nhau. Theo đó, Washington sẽ cung cấp cho Đài Bắc lượng vũ khí và viện trợ quân sự đủ để hòn đảo này có thể tự vệ.

Việc đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan dường như là cách Mỹ tăng sức ép với Trung Quốc khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Ở hướng ngược lại, Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực quân sự với hòn đảo khi nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế.

Bắc Kinh thường có phản ứng gay gắt khi Washington tăng cường hỗ trợ cho Đài Bắc, trong đó bao gồm các chuyến thăm của quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ và những hợp đồng bán vũ khí giá trị lớn cho hòn đảo.

Xem thêm >> Trung Quốc trừng phạt 3 nhà thầu quân sự lớn nhất của Mỹ vì bán vũ khí cho Đài Loan

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.