TS Ngô Công Trường: ‘Cách mạng công nghiệp 4.0 nằm ở tư duy’

Lệ Chi - 19/09/2019 19:26 (GMT+7)

(VNF) - Đó là chia sẻ của TS. Ngô Công Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Giáo dục John & Partners tại hội thảo Bắt kịp thời đại “Thế giới phẳng” cho ngành sản xuất chế tạo tại Việt Nam diễn ra ở khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh hôm nay (19/9).

VNF
Tiến sĩ Ngô Công Trường

Tại hội thảo, ông Ngô Công Trường nhắc lại định nghĩa cách mạng công nghiệp 4.0 xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013.

Ông Trường cho biết cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý.

Cụ thể, trong lĩnh vực kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào 3 yếu tố: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới…

Theo ông Trường, cách mạng công nghiệp 4.0 đã không còn xa lạ mà dần trở thành một xu hướng không thể thiếu trong tất cả các lĩnh vực sản xuất.

“Không riêng gì doanh nghiệp nhỏ hay vừa mà doanh nghiệp nào cũng làm được công nghiệp 4.0. Ngay cả cô bán bánh mỳ, trà sữa cũng làm được 4.0”, ông Trường nói và cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 nằm ở tư duy.

Cũng theo vị tiến sĩ, tương lai tất cả mọi người đều sử dụng được công nghiệp 4.0 và nhấn mạnh lần nữa 4.0 là tư duy.

Tuy nhiên, TS. Ngô Công Trường cũng đưa ra dự báo cách mạng công nghiệp trong tương lai sẽ tạo ra nguy cơ to lớn khi chỉ còn 20 công việc tồn tại, do được thay thế bởi các công nghệ mới và robot.

Lịch sử 4 cuộc cách mạng công nghệ 

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Trần Ngọc Minh Trí, Giám đốc cải tiến liên tục cho Decathlon toàn khu vực Nam Á, cho rằng cơ hội chính mà doanh nghiệp có được khi áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là tăng cấp số nhân vận tốc quản trị, phát triển văn hóa dữ liệu cho doanh nghiệp và hỗ trợ giảm chi phí, rút ngắn thời gian đào tạo quản lý trung cấp.

Tuy nhiên, ông Trí lưu ý doanh nghiệp sẽ phải đối đầu với những thách thức đến từ gia tăng chi phí cao, đáp ứng sự chuẩn xác của quy trình và tính kỷ luật, sự thay đổi trong cơ cấu quản trị.

“Vấn đề đặt ra trước rất nhiều sự biến đổi và đòi hỏi một bước cải tổ lớn, doanh nghiệp cần đặt ra một chiến lược dài hạn để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu của thời đại thế giới phẳng 4.0”, TS. Trần Minh Trí nói.

Hội thảo “Bắt kịp thời đại ‘Thế giới phẳng 4.0’ cho ngành sản xuất chế tạo Việt Nam” nằm trong khuôn khổ sự kiện trước thềm triển lãm MTA Hanoi 2019 – Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tại khu vực phía bắc Việt Nam, sẽ diễn ra vào ngày 16 – 18/10/2019 tại trung tâm triển lãm quốc tế ICE (Hà Nội).

 

Cùng chuyên mục
Tin khác