Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp GDP Việt Nam tăng hơn 62 tỷ USD vào năm 2030

Trần Lưu - 03/03/2019 22:25 (GMT+7)

(VNF) - Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp GDP Việt Nam tăng 28,5-62,1 tỷ USD (tương đương 7-16% GDP) vào năm 2030, tuỳ theo kịch bản cao - thấp.

VNF
Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng trưởng mạnh

Báo cáo tại Hội thảo Cách mạng 4.0 và kinh nghiệm Nhật Bản của CIEM đưa ra dự báo chỉ số GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm từ 315-640 USD/người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm. Theo đó, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra 1,3-3 triệu việc làm mới cho Việt Nam.

Các ngành truyền thống của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng thêm giá trị gia tăng nếu thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0. Đơn cử, ngành chế tạo sẽ tăng thêm 7-14 tỷ USD tùy mức độ ứng dụng. Ngành nông nghiệp truyền thống tăng thêm 4,9 tỷ USD nhờ tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất. Ngành tài chính sẽ tăng thêm 3,5 tỷ USD nhờ có thêm sản phẩm, dịch vụ và tiết kiệm chi phí. Ngành thông tin và truyền thông sẽ tăng thêm 2,5 tỷ USD, tăng 77% so với trường hợp không thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài các ngành truyền thống, cách mạng 4.0 sẽ phát triển những ngành và lĩnh vực mới là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam (IoT, media, kinh tế số...). Dự báo các ngành này sẽ có doanh thu năm 2030 rất cao như thương mại điện tử đạt 40 tỷ USD, sản xuất thiết bị robot - trí tuệ nhân tạo AI hơn 420 triệu USD; phân tích dữ liệu 730 triệu USD; điện toán đám mây 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ 2,2 tỷ USD, Fintech 1,5 tỷ USD và nông nghiệp thông minh 1,7 tỷ USD.

Với các lợi thế như 67% dân số sử dụng internet, 57% dân số tích cực sử dụng mạng xã hội và 73% dân số có điện thoại di động cá nhân, thái độ của người Việt Nam đối với công nghệ rất tích cực và có tiềm năng lớn. Đây là những điều kiện để Việt Nam phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo CIEM, để cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh hơn nữa, Việt Nam cần xây dựng nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi quản trị nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư, phát triển một số công nghệ mới ứng dụng đa ngành, có lợi thế và tiềm năng phát triển. 

CIEM cũng kiến nghị chính sách với quan điểm cải cách thể chế, chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý, công cụ quản lý. "Đây là điều kiện tiên quyết cho thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam", Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác